Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành Kế hoạch và Đầu tư cần 5 'tiên phong' để bứt phá, về đích
Ngày 28/12, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Hội nghị kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 5 nghị quyết, 2 luật và nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Doanh nghiệp, xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã xác định 5 nhóm chính sách lớn theo tinh thần đột phá, cải cách trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, tháo gỡ ngay các vướng mắc, điểm nghẽn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết thúc năm 2024, chúng ta có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Trong năm 2024, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu. Nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia.
Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở Châu Á.
Năm 2025 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 6 vấn đề có tính then chốt và thách thức đặt ra đối với đất nước, cũng như trong công tác tham mưu chiến lược năm 2025, giai đoạn 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tiếp sau Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kỷ nguyên đổi mới.
Trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới. Các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (hiện chiếm hơn 60% GDP cả nước) và 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (hiện chiếm 28% GDP cả nước) cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước.
Đồng thời, cần tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân; phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, các địa phương. Tháo gỡ ngay những nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án, cả Nhà nước và tư nhân để giải phóng ngay nguồn lực bị tồn đọng, ách tắc, lãng phí, từ đó đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm…
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề án lớn trong năm 2025 để tập trung nguồn lực, thời gian cho các dự án, nhiệm vụ ưu tiên mới trong giai đoạn 2026-2030; hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, nước ta có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km và đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với Trung Quốc, các dự án năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo… Khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội.
Trong thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, nghiêm túc quán triệt, triển khai Kết luận số 09-KL/TW và các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng đề án hợp nhất 2 cơ quan, đáp ứng yêu cầu tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ. Thời gian tới, tổ chức bộ máy của cơ quan sẽ có sự thay đổi nhưng chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, thống kê không thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn.
Đổi mới tư duy, nghĩ sâu, làm lớn
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong suốt 79 năm qua và chuẩn bị bước sang năm thứ 80 đồng hành cùng đất nước, dân tộc đã cho thấy ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, trọng trách và nhiệm vụ được giao, luôn khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược. Mỗi chặng đường, mỗi dấu mốc lịch sử của đất nước đều ghi dấu ấn và đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, nghiêm túc quán triệt, triển khai Kết luận số 09-KL/TW và các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng đề án hợp nhất 2 cơ quan, đáp ứng yêu cầu tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy. Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, với tinh thần Đảng chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong chờ thì “không bàn lùi, chỉ bàn làm”. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả; nhiều chức năng, nhiệm vụ không được bỏ, thậm chí có những nhiệm vụ phải tăng cường; giảm khâu trung gian, giảm đầu mối nhưng nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát, nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê để chủ động tham mưu, đề xuất chính sách phát triển kinh tế phù hợp tới tình hình mới. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề án lớn trong năm 2025 để tập trung nguồn lực, thời gian cho các dự án, nhiệm vụ ưu tiên mới trong giai đoạn 2026-2030.
Năm 2025, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, Thủ tướng nhấn mạnh 5 “tiên phong” mà ngành Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện: Tiên phong trong đổi mới tư duy, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, đã nói là làm, đã làm phải có hiệu quả; Tiên phong trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, vì thể chế là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển; Tiên phong trong dẫn dắt, thu hút nguồn lực; Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và cơ cấu lại nền kinh tế; Tiên phong trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để hoạch định chính sách trên cơ sở dữ liệu quốc gia một cách khoa học, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài. Tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án FDI lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, chuỗi giá trị trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung nguồn lực cho các cực tăng trưởng, vùng động lực và hành lang kinh tế, tạo sức bật và lan tỏa ra các vùng, địa phương khác trên cả nước.
Khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội; bảo đảm sự gắn kết giữa chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nguồn lực của Nhà nước để triển khai thực hiện. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất để tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...