Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Kon Tum toàn diện, bền vững hơn nữa
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Kon Tum phải phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa, giữ vững quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới, dân tộc, không để bị động, bất ngờ...
Tăng liên kết vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh
Tiếp theo chương trình làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum sáng 20/8, sau khi nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; Ghi nhận, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Theo Thủ tướng, tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội để phát triển, nhất là về du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nơi "một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe".
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và còn không ít tồn tại, hạn chế.
Đó là quy mô, tốc độ phát triển kinh tế còn hạn chế; Chỉ số cạnh tranh thuộc nhóm trung bình; Số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ gần 1.700 doanh nghiệp. Nông nghiệp chưa ứng dụng nhiều khoa học, công nghệ và chưa gắn với công nghiệp chế biến. Hạ tầng du lịch còn yếu, chưa thu hút được nhiều khách quốc tế; Xuất nhập khẩu còn ít; Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp...
Do đó, về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển tỉnh Kon Tum nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa; Giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, dứt khoát không để bị động bất ngờ; Xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về kinh tế bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả; Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Kon Tum phải rà soát lại các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh, toàn vùng và cả nước...; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước.
Tỉnh phải tập trung tháo gỡ về mặt pháp lý liên quan đến đất đai, rừng, góp vốn và tài sản khác nhằm giải phóng nguồn lực lực tập trung cho phát triển. Kon Tum cần huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển, phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng xã hội, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế…; Thúc đẩy các mô hình liên kết, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, để người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện, phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương; Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; Đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, công nghiệp chế biến...
Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm việc thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất; Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh.
Tỉnh cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; Trong đó, tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế, nhất là sâm Ngọc Linh.
Đồng thời, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; Khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu; Phát triển du lịch theo hướng hiện đại gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Sẽ xử lý các kiến nghị của tỉnh trong quý 3/2023
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành trả lời các đề xuất, kiến nghị của Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành xử lý các kiến nghị, đề xuất của tỉnh theo thẩm quyền trong quý 3/2023. Nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cho ý kiến về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Kon Tum lập đề án cụ thể về phát triển tỉnh theo các mục tiêu đã xác định và triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, trong đó đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đối với Khu du lịch Quốc gia Măng Đen, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ, sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không. Về triển khai dự án cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum, Thủ tướng nêu định hướng đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó làm, huy động hợp tác công tư để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án.
Về việc đầu tư đoạn còn lại Quốc lộ 24 khoảng 62 km qua Kon Tum và Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu phương án huy động nguồn lực, giao tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum triển khai các đoạn qua từng tỉnh.
Về phát triển điện gió trên địa bàn, Thủ tướng giao Bộ Công Thương, tỉnh Kon Tum và các cơ quan liên nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch điện VIII để tỉnh Kon Tum kêu gọi đầu tư các dự án điện gió với tổng công suất trên 3.000 MW.
Đồng thời, giao các doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm biến áp 500 KV để đấu nối vào đường dây 500 KV mạch 3 Dốc Sỏi – PleiKu 2. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương xây dựng khung giá điện cho các loại nguồn điện trong giai đoạn hiện nay, nhất là nguồn điện tái tạo.
Về phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu, hiện tỉnh Kon Tum có 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông với 9 xã đang vướng trên 15.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì không cho phép trồng dược liệu dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ).
Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để tháo gỡ vấn đề này. Tỉnh Kon Tum thực hiện các nội dung theo Chương trình phát triển sâm Việt Nam (chủ yếu là sâm Ngọc Linh) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 6/6/2023.