Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Saudi Arabia: Xung lực mới cho mối quan hệ một phần tư thế kỷ

Diễn ra vào dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Saudi Arabia, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammad bin Salman Al Saud trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, tháng 10/2023. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammad bin Salman Al Saud trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, tháng 10/2023. (Nguồn: VGP)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sắp tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc tại Saudi Arabia, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về ý nghĩa và các hoạt động điểm nhấn trong chuyến thăm.

Xin Đại sứ nêu mục đích và ý nghĩa chuyến thăm Saudi Arabia sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đặc biệt khi năm nay hai nước đang kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Saudi Arabia có những phát triển đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như chính trị, thương mại, du lịch… Hai nước có nhiều điểm chung như đều có vai trò ngày càng tăng tại khu vực, chính sách đối ngoại rộng mở và tăng cường quan hệ hữu hảo với các nước. Hai nước cùng có nhiều chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể phục vụ...

Chuyến thăm Saudi Arabia sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân diễn ra vào dịp đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây cũng là chuyến thăm Saudi Arabia lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm liên tiếp. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ ta đối với việc thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia nói riêng và với các nước vùng Vịnh nói chung cũng như mong muốn, kỳ vọng của phía bạn trong quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Với ý nghĩa quan trọng đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ lần này sẽ là một cột mốc nữa trong quan hệ song phương và tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Vậy những hoạt động, nội dung điểm nhấn trong chuyến thăm là gì? Đại sứ kỳ vọng thế nào về cột mốc đặc biệt này?

Hoạt động hết sức quan trọng của Thủ tướng ta tại Saudi Arabia là tham dự và phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8) về triển vọng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông. Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp một số lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo bộ, ngành then chốt của Saudi Arabia cũng như doanh nghiệp lớn của sở tại và quốc tế.

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Các hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm lần này sẽ tập trung vào thúc đẩy quan hệ đầu tư, kinh tế, lao động… giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Thủ tướng hai nước sẽ trao đổi về việc mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là tăng cường hợp tác về thương mại, lao động - nhân lực, công nghệ thông tin và truyền thông như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số cũng như giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch…

Nhân chuyến thăm, một số bản ghi nhớ và văn kiện cũng sẽ được ký kết, góp phần hoàn thiện thêm cơ sở pháp lý cho quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, các bộ, ngành, doanh nghiệp hai bên sẽ có nhiều dịp làm việc, kết nối với nhau một cách hiệu quả, thực chất. Tôi tin rằng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra nhiều khía cạnh hợp tác mới trong quan hệ song phương thời gian tới.

Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng rất nhiều vào hợp tác thương mại giữa hai bên. Các thỏa thuận cụ thể đã và sẽ đạt được sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng may mặc, nội thất, thủ công mỹ nghệ vào thị trường, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ có tính ưu việt, đột phá.

Hiện đã có những doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp sang địa bàn để quảng bá, xúc tiến, trình diễn những sản phẩm công nghệ cao, được thiết kế, chế tạo và sản xuất hoàn toàn bởi kỹ sư, công nghệ của Việt Nam, góp phần tạo những dấu ấn mới về năng lực và tiềm năng của nền kinh tế của Việt Nam.

"Chuyến thăm cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ ta đối với việc thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia nói riêng và với các nước vùng Vịnh nói chung cũng như mong muốn, kỳ vọng của phía bạn trong quan hệ hợp tác với Việt Nam". (Đại sứ Đặng Xuân Dũng)

Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam và 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Saudi Arabia ngày 25/9, tại thủ đô Riyadh. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam và 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Saudi Arabia ngày 25/9, tại thủ đô Riyadh. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong phát triển ngành công nghiệp Halal? Hai nước cần làm gì để khai phá và tận dụng tiềm năng đó?

Có thể khẳng định rằng, Saudi Arabia là thị trường hết sức tiềm năng cho các công ty xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam. Mỗi năm, Saudi Arabia chi trên 70 tỷ USD cho việc tiêu thụ thực phẩm, trong đó thị trường thực phẩm Halal có giá trị khoảng 6 tỷ USD.

Với hơn 34 triệu người, Saudi Arabia là quốc gia có dân số đông nhất tại vùng Vịnh. Hồi giáo là quốc đạo nên các loại thực phẩm tại thị trường này 100% là thực phẩm Halal.

Với khí hậu sa mạc nắng nóng, việc sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm thực phẩm Halal chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của sở tại. Do vậy, Saudi Arabia phải nhập khẩu khoảng từ 85- 90% các sản phẩm thực phẩm Halal để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

"Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường mở rộng thị phần tại thị trường Saudi Arabia". (Đại sứ Đặng Xuân Dũng)

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu sản xuất thực phẩm theo quy trình Halal có rất nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này như: thịt cừu, dê, bò, thủy sản chế biến, mỳ gói, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm... Không chỉ là thị trường có sức tiêu thụ lớn, Saudi Arabia cũng là cửa ngõ để trung chuyển thực phẩm Halal sang các nước Trung Đông khác như Kuwait, Jordan, Bahrain hay Oman…

Điều kiện tiên quyết để các sản phẩm thực phẩm tiếp cận được thị trường Saudi Arabia là các sản phẩm đó phải là sản phẩm Halal, có chứng chỉ, chứng nhận Halal theo quy định; quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến, giết mổ động vật phải tuân thủ quy trình, điều kiện của luật Shariah.

Điều kiện thứ hai là chứng chỉ, chứng nhận Halal của sản phẩm phải được tổ chức chứng nhận Halal của Saudi Arabia công nhận mà hiện nay mới chỉ có 1 đơn vị cấp chứng nhận Halal tại Việt Nam được Saudi Arabia công nhận.

Để tận dụng được tiềm năng của thị trường Halal Saudi Arabia, từ góc nhìn của Đại sứ quán, chúng tôi cho rằng, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp của Việt Nam cần có lộ trình và kế hoạch rõ ràng để từng bước đẩy mạnh thâm nhập và tăng thị phần tại thị trường sở tại.

Về phía cơ quan quản lý, hiện chúng ta mới thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, là cơ sở để tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal trong khuôn khổ Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".

Trong thời gian tới, chúng ta hy vọng Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia sẽ mở rộng hợp tác với các cơ quan quản lý Halal trên thế giới và từng bước được các cơ quan này công nhận, từ đó có thể hỗ trợ doanh nghiệp ta đạt được chứng nhận Halal một cách thuận lợi và giảm chi phí so với trước đây.

Bên cạnh đó, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường Halal toàn cầu, các sản phẩm cần hoặc không cần chứng nhận Halal, các cơ hội xuất khẩu sản phẩm Halal… để các doanh nghiệp ta có cái nhìn đủ và đúng hơn về vấn đề này.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu thị trường, tổ chức những chuyến công tác tới từng thị trường để nắm rõ hơn về xu hướng, thị hiếu của khách hàng, cũng như có thể trực tiếp trao đổi với đối tác nhằm mở ra các cơ hội kinh doanh lớn hơn. Đại sứ quán luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường mở rộng thị phần tại thị trường Saudi Arabia.

Đại sứ Đặng Xuân Dũng trao đổi với lãnh đạo siêu thị Spinneys của Saudi Arabia về tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Đại sứ Đặng Xuân Dũng trao đổi với lãnh đạo siêu thị Spinneys của Saudi Arabia về tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Đại sứ có thể chia sẻ cảm xúc cá nhân về đất nước và con người Saudi Arabia?

Có thể nói ngắn gọn rằng, tôi có may mắn được làm việc ở Saudi Arabia vào thời điểm rất đáng nhớ khi đất nước bạn đang thực sự chuyển mình, được vận hành theo chiến lược mới (Tầm nhìn 2030) với cách tiếp cận mới về nội lực, vị thế quốc gia cũng như vai trò của nguồn lực từ bên ngoài. Những chuyển biến này đang ngày càng rõ nét và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và đất nước Saudi Arabia.

Saudi Arabia là nước lớn nhất Trung Đông với cảnh vật đa dạng phong phú hơn nhiều so với những ấn tượng từ bên ngoài nhìn vào. Tôi đặc biệt thích AlUla và vùng Riyadh, nơi cho tôi những cảm nhận rõ nét nhất về định hướng phát triển, những thành tựu cũng như tiềm năng của đất nước này.

Người dân nơi đây hiếu khách, hào phóng và rất tự hào về truyền thống, nền văn hóa cũng như lịch sử của mình. Trong trao đổi tiếp xúc, tôi thấy họ, đặc biệt là lớp trẻ, rất lạc quan tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của Saudi Arabia và cố gắng đóng góp sức mình xây dựng đất nước theo những mục tiêu mà lãnh đạo Vương quốc đề ra.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Saudi Arabia là nước lớn nhất Trung Đông với cảnh vật đa dạng phong phú. Ảnh minh họa: Thành phố Hegra ở AlUla, Saudi Arabia. (Nguồn: AlUla)

Saudi Arabia là nước lớn nhất Trung Đông với cảnh vật đa dạng phong phú. Ảnh minh họa: Thành phố Hegra ở AlUla, Saudi Arabia. (Nguồn: AlUla)

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-saudi-arabia-xung-luc-moi-cho-moi-quan-he-mot-phan-tu-the-ky-291311.html