Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung hoàn thành tuyến metro số 1

Sáng 27/7, thị sát nhà ga ngầm Bến Thành và ga Ba Son, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung hoàn thành tuyến số 1 Bến Thành- Suối Tiên theo phương châm làm chỗ nào xong chỗ đó.

XEM VIDEO:

Hơn 8h sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt thị sát công trường thi công nhà ga trung tâm Bến Thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát nhà ga Trung tâm Bến Thành của metro số 1. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát nhà ga Trung tâm Bến Thành của metro số 1. Ảnh: Nhật Bắc

Tham dự buổi làm việc của Thủ tướng có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành.

Báo cáo với Thủ tướng, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho biết dự án metro số 1 đến nay đã thi công đạt hơn 91% tiến độ. Hiện tại, trên công trường dự án có hơn 2.180 kỹ sư đang làm việc để đưa dự án về đích theo tiến độ.

Thủ tướng khảo sát dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng khảo sát dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Nhật Bắc

Đại diện chủ đầu tư báo cáo, để chuẩn bị vận hành, khai thác thương mại, hiện chủ đầu tư cũng đã trình UBND TP đề án khai thác thương mại dịch vụ tuyến metro số 1. TP.HCM đang lấy ý kiến của các sở, ngành để xem xét phê duyệt.

Đối với nhà ga Trung tâm Bến Thành, chủ đầu tư dự án metro số 1 cho biết hiện thi công đạt 81% khối lượng. Đây là nhà ga chung 4 tuyến metro gồm metro số 1, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), metro số 3a (Bến Thành - bến xe Miền Tây), metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu công nghiệp Hiệp Phước).

Sau khi nghe chủ đầu tư trình bày về tiến độ dự án metro số 1 và các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần phải tập trung hoàn thành tuyến số 1 theo phương châm làm chỗ nào xong chỗ đó.

Thủ tướng cho biết những năm qua vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam giảm dần nên cần phải khôi phục lại trong thời gian tới. Để khôi phục lại cần chọn dự án giao thông trọng điểm để thực hiện và không làm dàn trải.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 11 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có 8 tuyến metro và 3 tuyến đường sắt nhẹ - Ảnh: Nhật Bắc

Theo quy hoạch, TP.HCM có 11 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có 8 tuyến metro và 3 tuyến đường sắt nhẹ - Ảnh: Nhật Bắc

Trong đó, Thủ tướng đề cập đến dự án metro 3a (Bến Thành- Tân Kiên) cũng là dự án thứ 2 sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án này sẽ đấu nối metro số 1 theo hướng tuyến về miền Tây và đề xuất kéo dài đến TP Cần Thơ trong tương lai.

Do đó, Thủ tướng đề nghị phía Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các thủ tục để phía Việt Nam hoàn thiện triển khai các dự án tiếp theo.

Lối lên xuống tầng một ga Ba Son. Ảnh: Đình Tuyến

Lối lên xuống tầng một ga Ba Son. Ảnh: Đình Tuyến

Bên trong tầng hầm ga Ba Son. Ảnh: Đình Tuyến

Bên trong tầng hầm ga Ba Son. Ảnh: Đình Tuyến

Cũng tại buổi thị sát, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM khi triển khai các dự án tiếp theo cần giảm các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ.

Một góc ga Ba Son. Ảnh: Đình Tuyến

Một góc ga Ba Son. Ảnh: Đình Tuyến

Dự án metro số 1 có chiều dài 19,7km với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Do lùi thời gian hoàn thành dự án (so với dự kiến năm 2021), hiện TP.HCM đang hoàn thiện thủ tục để điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án và dự kiến đưa vào khai thác vào quý 4/2023.

* Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức là một trong các dự án trọng điểm của ngành giao thông TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng khảo sát dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng khảo sát dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: Nhật Bắc

Công trình nằm tại điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ (tức đại lộ Đông Tây), được kỳ vọng giảm ùn tắc cho tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống) và giao thông khu vực cửa ngõ phía đông, kết nối thuận lợi với sân bay quốc tế Long Thành khi sân bay hoàn thành và đưa vào khai thác, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Thủ Đức nói riêng, TP.HCM nói chung.

Dự kiến dự án được khởi công vào tháng 10/2022, phấn đấu hoàn thành vào dịp 30/4/2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng đề nghị triển khai dự án theo hướng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật mà còn chú ý cả về mặt mỹ thuật, tạo cảnh quan đẹp, điểm nhấn ấn tượng, xứng tầm về kiến trúc, một biểu tượng của TP.HCM và TP. Thủ Đức, có giá trị lâu trong tương lai hàng trăm năm, khai thác, phát triển du lịch và các dịch vụ, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác tốt không gian, trong đó có không gian ngầm tại khu vực đắc địa, có giá trị rất lớn này.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-yeu-cau-tap-trung-hoan-thanh-tuyen-metro-so-1-2043659.html