Thủ tướng phê bình các cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp
Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công, yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ cũng xác định “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” trong chỉ đạo, điều hành, trong đó “2 đẩy mạnh” là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.
Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện nhiều, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; mặt khác, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là vấn đề kéo dài nhiều năm. Do đó, Chính phủ tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến để đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong bối cảnh nguồn vốn cho các dự án đã có, người dân mong mỏi, đất nước trông chờ, yêu cầu công việc cao, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
“Trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công, yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2022, trên cơ sở đó, phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, địa phương mình nhanh và hiệu quả.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết 75.000 tỷ đồng còn lại cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, báo cáo các vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách trước ngày 20/10, vướng ở cấp nào cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan giá nguyên vật liệu biến động.
Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị các cấp cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố tham mưu HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, người dân tham gia. Đặc biệt, nhân dân hết sức mong đợi việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia dành cho những người nghèo, người yếu thế, vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, các địa phương cần phải cố gắng hơn nữa, các bộ, ngành, cơ quan phải tích cực vào cuộc hơn nữa.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, đến ngày 23/9/2022, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.