Thủ tướng Scholz: Đức sẽ có quân đội 'được trang bị tốt nhất' châu Âu
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng quân đội Đức nên đóng vai trò hàng đầu trong việc củng cố an ninh châu Âu.
Hôm 16/9, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, ưu tiên của chính phủ ông là biến quân đội của Đức thành "trụ cột, đóng vai trò nền tảng" của quốc phòng châu Âu. Ông cho rằng cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine là bước ngoặt khiến Berlin phải đánh giá lại vai trò của mình trên lục địa và trong NATO.
“Đức đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm ở vị trí dẫn đầu”, Thủ tướng Scholz nói. Ông cho rằng quân đội Đức nên trở thành “lực lượng tấn công được trang bị tốt nhất ở châu Âu” trong những tháng tới và nhiều năm tiếp theo.
Theo Thủ tướng Scholz, quân đội Đức đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp an ninh ở sườn phía đông của NATO.
Ông Scholz nói rằng Nga sẽ vẫn là đối thủ chính của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai gần. Để đối phó với mối đe dọa từ Moskva một cách hiệu quả, quân đội Đức cần phải giải quyết “khoảng trống năng lực” hiện có.
Nhiệm vụ đầu tiên của Berlin sẽ là cung cấp cho quân đội nhiều vũ khí, đạn dược, phụ tùng thay thế, bảo trì khí tài càng sớm càng tốt. Đức đã tạo ra một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để nâng cấp năng lực quân sự của nước này.
Thủ tướng Scholz thừa nhận, từ lâu, Đức không thực sự ưu tiên trong việc nâng cấp năng lực quân sự cho quân đội nước này. Ông nhấn mạnh, cần gia tăng tiềm lực quốc phòng để quân đội có thể thực hiện nhiệm vụ cốt lõi “bảo vệ tự do ở châu Âu”.
Ông Scholz cam kết sẽ tiếp tục tăng cường tài trợ cho quân đội, tuyên bố ngân sách quốc phòng hàng năm của Đức sẽ đạt mục tiêu 2% GDP của NATO - mức mà Mỹ đã yêu cầu từ lâu đối với các quốc gia thành viên NATO.
Đức nằm trong số quốc gia thành viên NATO đã cung cấp cho Kiev vũ khí và đạn dược kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố Berlin đã “chuyển giao số khí tài không tưởng từ nguồn dự trữ quân sự của nước này” cho Ukraine. Bà cho rằng bây giờ Đức đã "đạt đến giới hạn" về những gì nước này có thể cung cấp cho Kiev.
Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên gửi vũ khí tới Kiev, cho rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài, làm gia tăng thương vong và gây hậu quả lâu dài đối với Ukraine.