Thủ tướng Singapore: hỗ trợ doanh nghiệp, tạo giá trị mới và liên kết để vượt 'bão' thuế quan

Trong bài phát biểu về thuế quan của Mỹ và các tác động, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh: cách duy nhất để vượt qua cơn bão đang kéo đến là giữ cho nền kinh tế mở cửa, tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cùng với đó, ông cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngắn hạn cũng như đề cập đến việc liên kết chặt chẽ hơn với đối tác trong khu vực và quốc tế để giải quyết các vấn đề về thuế quan.

Thủ tướng Lawrence Wong phát biểu về thuế quan của Mỹ và các tác động hôm 8-4 trước Quốc hội Singapore. Ảnh: Straitstimes

Thủ tướng Lawrence Wong phát biểu về thuế quan của Mỹ và các tác động hôm 8-4 trước Quốc hội Singapore. Ảnh: Straitstimes

Dưới đây, KTSG Online tóm lược một số ý chính trong bài phát biểu của ông Lawrence Wong, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore, về thuế quan của Mỹ, các tác động và một số biện pháp ứng phó trước Quốc hội Singapore hôm 8-4.

Singapore chuẩn bị ứng phó tác động ra sao?

Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới trong các vấn đề toàn cầu, bảo hộ hơn và nguy hiểm hơn. Mối lo ngại sâu sắc hơn của Chính phủ Singapore về thuế quan Mỹ không chỉ là tác động trực tiếp mà là những hệ lụy rộng lớn hơn đối với hệ thống thương mại toàn cầu và nền kinh tế thế giới.

Trật tự dựa trên luật lệ và có thể dự đoán mà chúng ta từng biết đang mờ dần. Kỷ nguyên mới sẽ biến động hơn, với nhiều cú sốc thường xuyên và khó lường hơn. Chúng ta phải sẵn sàng đứng vững và bảo vệ lợi ích của mình, bất kể gió bên ngoài có thể thổi theo hướng nào.

Trong ngắn hạn, chúng tôi dự kiến tăng trưởng toàn cầu yếu hơn, có nghĩa là nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ của Singapore sẽ giảm.

Các lĩnh vực hướng ngoại của nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những lĩnh vực này bao gồm sản xuất, đặc biệt là các phân khúc như điện tử và bán dẫn; khoa học y sinh, vốn có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn.

Thương mại bán buôn và vận tải sẽ bị ảnh hưởng. Sự không chắc chắn toàn cầu và tâm lý bị ảnh hưởng tiêu cực cũng sẽ tác động đến một số ngành dịch vụ, bao gồm tài chính và bảo hiểm.

Singapore có thể rơi vào suy thoái hoặc không trong năm nay, tăng trưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Ban đầu, chúng tôi dự kiến tăng trưởng GDP từ 1 đến 3% cho năm 2025. Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) đang đánh giá lại dự báo tăng trưởng và có khả năng sẽ điều chỉnh giảm.

Tăng trưởng chậm hơn sẽ làm cơ hội việc làm ít hơn và người lao động ít có cơ hội tăng lương hơn. Nếu nhiều công ty gặp khó khăn hơn hoặc chuyển hoạt động trở lại Mỹ thì tình trạng cắt giảm nhân sự và mất việc làm sẽ cao hơn.

Hiện tại, các phương án được công bố trong ngân sách năm nay sẽ hỗ trợ những khó khăn ngắn hạn.

Chúng tôi có một gói biện pháp toàn diện cho các hộ gia đình và cá nhân. Họ sẽ nhận được phiếu mua hàng CDC, phiếu mua hàng SG60 và các khoản hoàn trả U-Save để giúp trang trải chi phí sinh hoạt. Cùng với đó là tăng hỗ trợ ComCare cho các nhóm dễ bị tổn thương hơn.

Chúng tôi cũng đang hỗ trợ người lao động thông qua đầu tư vào SkillsFuture. Những người bị thất nghiệp không tự nguyện sẽ nhận được trợ giúp để có thể quay trở lại cuộc sống thông qua chương trình hỗ trợ tìm việc SkillsFuture, sẽ bắt đầu vào cuối tháng này.

Chúng tôi cũng đã triển khai các biện pháp trong ngân sách để giúp đỡ doanh nghiệp như các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn thông qua các khoản hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các chương trình nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh và chuyển hướng sang các thị trường mới.

Các cơ quan kinh tế của chính phủ cũng đang tiếp xúc với các công ty bị ảnh hưởng bởi thuế quan để hiểu rõ hơn phản ứng của doanh nghiệp để xem Chính phủ có thể hỗ trợ như thế nào.

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Do đó, chúng tôi sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm do Phó Thủ tướng Gan Kim Yong chủ trì để giúp doanh nghiệp và người lao động giải quyết những bất ổn trước mắt, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế mới.

Ngoài các cơ quan kinh tế, lực lượng đặc nhiệm sẽ bao gồm Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), Liên đoàn Quốc gia Giới chủ Singapore (SNEF) và Đại hội Công đoàn Quốc gia (NTUC).

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Chính phủ sẵn sàng làm nhiều hơn nữa khi cần thiết. Chúng ta có nguồn lực để làm điều đó nhờ vào kỷ luật và sự thận trọng tài chính đã thực hiện trong nhiều thập kỷ.

Liên kết chặt chẽ hơn với đối tác cùng chí hướng

Trong môi trường mới này, Singapore phải nỗ lực gấp đôi để duy trì vị thế là một nút quan trọng trong các dòng chảy toàn cầu và một trung tâm kinh doanh đáng tin cậy. Singapore sẽ thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn với các đối tác cùng chí hướng, những người chia sẻ cam kết của chúng tôi đối với thương mại tự do và mở cửa.

Mỹ có thể đã quyết định trở nên bảo hộ nhưng phần còn lại của thế giới không nhất thiết phải đi theo con đường tương tự. Chúng tôi sẽ xác định các đối tác khác để cùng tham gia và tìm giải pháp thay thế.

Đây là lý do tại sao tôi đã nỗ lực trao đổi và thăm các đối tác đồng cấp ở các quốc gia khác nhau. Tôi đã liên lạc với Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày hôm qua và có một vài cuộc đối thoại nữa được lên lịch trong những tuần tới. Tất cả đều mong muốn hợp tác nhiều hơn với Singapore và mở rộng hợp tác kinh tế, trong đó có những lĩnh vực mới như kinh tế số và kinh tế xanh.

Tuần trước, tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Malaysia cũng là Chủ tịch ASEAN năm nay. Chúng tôi đã đồng ý đẩy nhanh các nỗ lực hội nhập của ASEAN để làm cho khu vực hấp dẫn và cạnh tranh hơn.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt sẽ được triệu tập vào cuối tuần này để thảo luận thêm về các cách thức mà ASEAN có thể hợp tác để tăng cường thương mại nội khối ASEAN và gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của ASEAN đối với hội nhập kinh tế khu vực.

Với tư cách là một nhóm, ASEAN cũng sẽ tiếp tục tăng cường liên kết với các đối tác cùng chí hướng trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Chúng ta đang bước vào một thế giới đã thay đổi. Cách duy nhất để Singapore vượt qua cơn bão đang kéo đến là giữ vững đoàn kết, huy động các nguồn lực, khả năng phục hồi và quyết tâm của chúng ta. Trên hết, chúng ta sẽ đặt lợi ích của Singapore và người dân Singapore vào trung tâm của mọi việc.

Chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để lèo lái Singapore vượt qua vùng biển động, đưa ra những đề xuất tạo giá trị mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chúng ta sẽ hành động táo bạo và quyết đoán khi cần thiết.

Nguồn: pmo.gov.sg

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thu-tuong-singapore-ho-tro-doanh-nghiep-tao-gia-tri-moi-va-lien-ket-de-vuot-bao-thue-quan/