Thủ tướng: Tăng cường kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc các dự án bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh
Chiều ngày 15.4, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung Bướu TP.Hồ Chí Minh (cơ sở 2); khảo sát, nghe báo cáo và kiến nghị về dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân
Bệnh viện Ung Bướu TP.Hồ Chí Minh (cơ sở 2) được xây dựng tại phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư 5.845 tỷ đồng.
Dự án đã nghiệm thu đưa vào sử dụng khối phòng khám vào tháng 10.2020. Tháng 7.2021, khu điều trị nội trú của bệnh viện được tạm chuyển đổi công năng thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị, Đề án, trong đó đặc biệt là “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân” các giai đoạn và Đề án 125 về “Đầu tư xây dựng 05 bệnh viện mới tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP. Hồ Chí Minh”, trong đó có Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.
Thủ tướng vui mừng nhận thấy Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh - cơ sở 2 đáp ứng về tiêu chuẩn bệnh viện hiện đại với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản; hệ thống trang thiết bị hiện đại; không gian khám chữa bệnh khang trang, sạch đẹp, là nơi mà bệnh nhân cảm thấy an tâm, thoải mái, “trao niềm tin, nhận lại hy vọng”.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế, hệ thống các bệnh viện thực hiện nghiệm việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30 và Nghị định 07 của Chính phủ. Rà soát ngay việc sửa chữa các trang thiết bị y tế, máy móc chẩn đoán, điều trị, nếu vướng ở đâu thì Bộ Y tế phải khắc phục ngay trong tháng 4 này, những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Bộ Y tế phải đề xuất để Chính phủ sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời, tích cực hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân nói chung và đối với bệnh ung thư nói riêng.
Hoàn thành sớm việc giải ngân khoản vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, do Thành phố làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng.
Tại đây, Thủ tướng cũng nghe báo cáo về quy hoạch, đầu tư 5 bệnh viện cửa ngõ của TPHCM, gồm Bệnh viện Nhi đồng TPHCM đã đi vào hoạt động được 5 năm, Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh vừa được khánh thành, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.
Dự kiến, Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Củ Chi và Bệnh viện Hóc Môn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Ngoài ra, Thành phố cũng đang đầu tư cho trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trong đó, Bệnh viện Thủ Đức khởi công tháng 11.2021, có quy mô 1.000 giường và quy mô lưu bệnh là 500 giường hiện đại, chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu với các thiết bị y khoa đồng bộ, hiện đại, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật và trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực thành phố Thủ Đức và các vùng lân cận.
Theo Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cấu phần xây dựng của các dự án bệnh viên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023, để phát huy hiệu quả đầu tư toàn diện, đảm bảo thực sự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh xứng tầm với quy mô của một bệnh viện đa khoa khu vực thì việc đầu tư kịp thời trang thiết bị chuyên môn là hết sức cần thiết.
UBND TP.Hồ Chí Minh đã có các văn bản kiến nghị Trung ương quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ là Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng (mỗi dự án đề xuất bố trí 1.500 tỷ đồng).
Khảo sát thực địa dự án, Thủ tướng nêu rõ TP.Hồ Chí Minh có nhiều đặc thù so với các địa phương khác, nhất là dân số đông, theo thống kê khi làm công tác bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian dịch bệnh COVID-19, tổng dân số Thành phố lên tới trên 12 triệu người. Đây là điều mà cần lưu ý khi xử lý các vấn đề của Thành phố.
Thủ tướng biểu dương Thành phố đã nỗ lực, hoàn thành Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Ung bướu, đây cũng là 2 trong số 5 bệnh viện được đầu tư theo Đề án 125 về "Đầu tư xây dựng 5 bệnh viện mới tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.Hồ Chí Minh ".
Thủ tướng đề nghị Thành phố tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thành sớm việc giải ngân khoản vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng trong năm 2023 dành cho các Bệnh viện Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, bảo đảm đúng quy định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với TP.Hồ Chí Minh sớm rà soát, xem xét, điều tiết nguồn vốn từ các dự án khác chậm giải ngân hoặc từ kế hoạch vốn năm 2024 để bố trí thêm ngân sách cho các dự án.
Đồng thời, cần chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, bộ máy quản lý để sẵn sàng đưa Bệnh viện vào hoạt động; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội để trang bị máy móc, thiết bị trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện, doanh nghiệp, người dân.
Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh, đồng thời xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan các dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2.
Thủ tướng lưu ý cần rút kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt khâu chuẩn bị các dự án xây dựng bệnh viện; không chia nhỏ gói thầu các gói thầu; việc xây dựng phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn lao động cho công nhân và người dân, bảo đảm vệ sinh, môi trường, kể cả tiếng ồn, không để đội vốn bất hợp lý.