Thủ tướng Thái Lan bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trong một phán quyết bất ngờ hôm 14.8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin với lý do ông vi hiến trong quy trình bổ nhiệm nhân sự Nội các. Phán quyết này sẽ dẫn đến những thủ tục gì tiếp theo và sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chính trường Thái Lan?

Thủ tướng Srettha Thavisin trả lời báo chí sau phán quyết của Tòa án vào chiều ngày 14.8. Ảnh: Bangkok Post

Thủ tướng Srettha Thavisin trả lời báo chí sau phán quyết của Tòa án vào chiều ngày 14.8. Ảnh: Bangkok Post

Phán quyết bất lợi cho Thủ tướng

Tòa án Hiến pháp bắt đầu phiên họp vào 9h30 sáng ngày 14.8 và kết thúc phiên họp vào 15h30 chiều cùng ngày. Thẩm phán Punya Udchachon - người đọc phán quyết, cho biết Tòa án đã bỏ phiếu về quyết định bãi nhiệm Thủ tướng Srettha và quyết định được thông qua với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống.

Với phán quyết này, ông Srettha Thavisin trở thành thủ tướng thứ 4 bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm trong vòng 16 năm qua.

Phiên tòa được tiến hành sau khi một nhóm gồm 40 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự trước đây bổ nhiệm đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu bãi nhiệm ông Srettha vì vi phạm Hiến pháp và tiêu chuẩn đạo đức khi bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban, người từng chịu án tù, vào Nội các của mình. Đơn kiến nghị viện dẫn điều Mục 170 (4) và (5) của Hiến pháp, quy định về đạo đức của các bộ trưởng.

Vào năm 2008, ông Pichit bị kết án 6 tháng tù vì tội coi thường tòa án và tham nhũng sau khi ông tìm cách hối lộ các quan chức Tòa án Tối cao vào thời điểm ông là luật sư đại diện cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong một vụ án đất đai.

Ông Pichit đã từ chức Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng ngay trước khi Tòa án Hiến pháp thụ lý đơn kiện trong một nỗ lực nhằm giúp ông ông Srettha tránh khỏi những rắc rối pháp lý. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp vẫn quyết định thụ lý vụ kiện.

Cho đến nay, Thủ tướng Srettha Thavisin đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho biết, ông đã tuân thủ các quy định bằng cách kiểm tra trình độ của Pichit và xin ý kiến từ Hội đồng Nhà nước trước khi bổ nhiệm.

Phát biểu tại Tòa nhà Chính phủ vào ngày 13.8, một ngày trước phiên tòa, ông Srettha cho biết đã làm mọi điều cần thiết: “Tôi đã gửi mọi văn bản liên quan đến Tòa án cách đây hai tuần. Tôi đã làm hết sức mình. Bây giờ là lúc đưa vụ việc ra xét xử. Mọi việc hiện giờ tùy thuộc vào hệ thống tư pháp”, Thủ tướng Srettha cho biết.

Tuy nhiên, ngay sau phiên tòa, Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết ông tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao và từ giờ không còn giữ chức vụ.

Ông Srettha, một tỷ phú bất động sản, là một trong ba ứng cử viên được đảng Pheu Thai đưa ra trong cuộc tổng tuyển cử vào năm ngoái. Ông được bầu làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan trong phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện vào ngày 22.8.2023 với 482 phiếu thuận, 165 phiếu chống và 81 phiếu trắng. Là một ông trùm trong lĩnh vực bất động sản chuyển sang chính trị, ông Srettha cho biết, ông vẫn muốn đóng góp cho đất nước ở những vai trò khác. Tuy nhiên, những dự án và kế hoạch của ông chưa kịp thúc đẩy sau một năm nắm quyền.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp cũng chấm dứt mọi chức vụ trong Nội các, nhưng các bộ trưởng sẽ tiếp tục giữ chức vụ tạm quyền và Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai, đồng thời là Bộ trưởng Thương mại, trở thành quyền thủ tướng cho đến khi Hạ viện có thể lựa chọn được thủ tướng mới.

Phát biểu ngay sau khi có phán quyết, Thủ tướng Srettha nói với các phóng viên tại Tòa nhà Chính phủ rằng ông tôn trọng phán quyết của tòa án, mặc dù đó không phải là điều ông hy vọng. “Tôi không còn thẩm quyền nào nữa”, ông nói. “Thẩm quyền hiện đang nằm trong tay Thủ tướng lâm thời”. Ông Srettha cho biết, nếu ông Phumtham không thể đảm nhiệm vai trò Thủ tướng tạm quyền, Phó Thủ tướng Suriya Juangroongruangkit sẽ đảm nhiệm vị trí này.

Hạ viện Thái Lan sẽ phải triệu tập cuộc họp để bầu ra thủ tướng mới và các đảng hiện phải quyết định xem họ sẽ đề cử và bỏ phiếu cho ai làm thủ tướng tiếp theo dựa trên danh sách ứng cử viên đã được đệ trình trước cuộc bầu cử vào tháng 5.2023.

Để trở thành thủ tướng, một ứng cử viên cần sự ủng hộ của hơn một nửa trong số 493 nhà lập pháp hiện tại của Hạ viện, tức là 247 phiếu bầu. Nếu không có ai được chọn, Hạ viện phải triệu tập lần nữa và tiến hành bỏ phiếu lại và cơ hội giành cho các ứng cử viên khác được đề cử. Chính phủ liên minh hiện gồm 11 đảng có 314 ghế tại Hạ viện.

Trong số những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí này có bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra va là lãnh đạo đảng Pheu Thai. Bên cạnh đó, còn có lãnh đạo đảng Tự hào Thái Lan Anutin Charnvirakul và lãnh đạo đảng Quyền lực nhà nước nhân dân, tướng Prawit Wongsuwon.

Hiện thời gian bỏ phiếu vẫn chưa được ấn định và cũng không có quy định nào cho thấy quy trình này phải được tiến hành trong khoảng thời gian bao lâu kể từ khi thủ tướng bị bãi nhiệm.

Ảnh hưởng đối với chính trị Thái Lan

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có nguy cơ khiến Thái Lan đối mặt với viễn cảnh bất ổn hơn nữa ở một đất nước đã chứng kiến các phán quyết của tòa án và các cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ nhiều chính phủ trong hai thập kỷ qua.

Tuần trước, Tòa án Hiến pháp vừa ra phán quyết đã giải thể đảng Đảng Tiến bước (MFP), cấm cựu lãnh đạo của đảng này tham gia chính trường trong 10 năm.

Ông Pornamrin Promgird, giảng viên Khoa Nhân văn và khoa học xã hội của Đại học Khon Kaen, Thái Lan nhận định: “Nếu Thủ tướng bị bãi nhiệm, mọi thứ sẽ phải quay lại vạch xuất phát. Sẽ mất thời gian để thành lập một chính phủ mới trong khi đất nước đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế”.

Quỳnh Vũ (Theo Bangkok Post, Reuters, Straits Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thu-tuong-thai-lan-bi-toa-an-hien-phap-bai-nhiem-dieu-gi-se-xay-ra-tiep-theo--i384102/