Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bị bãi nhiệm
Các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Thái Lan bắt đầu phân xử vụ việc liên quan đến Thủ tướng Srettha Thavisin vào lúc 15 giờ ngày 14-8.
Tòa án cho biết Thủ tướng Srettha Thavisin đã vi phạm các quy tắc về đạo đức khi bổ nhiệm một luật sư từng thụ án tù vào nội các.
Theo đài CNN, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã bị bãi nhiệm sau khi tòa án phán quyết ông vi phạm hiến pháp. Phán quyết này được đưa ra với 5 phiếu ủng hộ và 4 phiếu chống, theo báo The Nation.
Với quyết định trên, ông Srettha trở thành thủ tướng thứ tư của Thái Lan bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm trong vòng 16 năm.
Ông Srettha Thavisin, người nắm quyền chưa đầy một năm, bị nhóm cựu thượng nghị sĩ cáo buộc vi phạm các quy tắc đạo đức khi bổ nhiệm một luật sư có tiền án vào nội các của mình.
Ông Srettha trước đó phủ nhận hành vi sai trái về việc bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban vào chính phủ dù người này bị kết án tù 6 tháng vào năm 2008 vì tội khinh thường tòa án. Ông Pichit bị kết tội cố gắng hối lộ các viên chức Tòa án Tối cao trong một vụ án đất đai liên quan đến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hồi tháng 5 đã chấp nhận đơn kiện của một nhóm 40 thượng nghị sĩ đề nghị xem xét liệu ông Srettha và Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Phichit Chuenban có nên bị cách chức theo Điều 170 Hiến pháp hay không.
Phán quyết này được đưa ra một tuần sau khi tòa án giải tán đảng đối lập Tiến bước (MFP) và cấm cựu lãnh đạo của đảng này tham gia chính trường trong 10 năm.
Các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Srettha đã giảm trong những tháng gần đây khi các chính sách kinh tế quan trọng của ông đối mặt với sự phản đối và trì hoãn. Tuy nhiên, phán quyết hôm 14-8 đã gây sốc cho giới phân tích chính trị khi họ cho rằng tòa án sẽ đứng về phía thủ tướng.
Ưu tiên của ông Srettha kể từ khi nhậm chức là khôi phục nền kinh tế trì trệ. Ông từng công bố chương trình ví tiền kỹ thuật số trị giá 500 tỉ baht (13,8 tỉ USD) mà ông cho rằng sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy chi tiêu ở các khu vực kém phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được triển khai.
Ông Srettha cũng đặt mục tiêu giúp Thái Lan thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, trở thành trung tâm du lịch toàn cầu, mở rộng các chính sách miễn thị thực và công bố kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Quyết định gây sốc kể trên sẽ khiến Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn chính trị hơn nữa. Trước mắt, một chính phủ mới sẽ được thành lập và liên minh cầm quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo sẽ đề cử một ứng viên mới cho chức thủ tướng. Ứng cử viên này sẽ được quốc hội gồm 500 ghế bỏ phiếu.
Trong thời gian chờ quốc hội bỏ phiếu, Phó thủ tướng Phumtham Wechayachai tiếp nhận vai trò quyền thủ tướng.