Thủ tướng tham dự Hội nghị BRICS mở rộng: Cùng vun đắp hòa bình, chắp cánh tương lai

Tròn một tháng sau Hội nghị thượng đỉnh Tương lai Liên hợp quốc, câu chuyện về tương lai lại được gợi lên, tại một khuôn khổ đa phương khác - Hội nghị BRICS mở rộng. Sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị minh chứng rõ nét cho cam kết của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương, nỗ lực vun đắp vì khát vọng chung - hòa bình và phát triển.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)

Xuyên suốt chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng tại thành phố Kazan, Liên bang Nga (23-24/10), ở cấp độ song phương trong quan hệ với Liên bang Nga và các nước hay trong khuôn khổ đa phương là thông điệp nổi bật về một Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Hội nghị BRICS mở rộng là hội nghị quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo các thành viên BRICS và Lãnh đạo hơn 30 nước khách mời, bao gồm các nước đang phát triển ở các châu lục và một số tổ chức quốc tế.

Năm 2024, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS, Nga đã lên kế hoạch tổ chức khoảng 250 hoạt động, hội nghị, diễn đàn tại 15 thành phố trong năm nay. Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay là Hội nghị lần thứ 16 nhưng là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS mở rộng với 10 thành viên, là sự kiện đối ngoại quy mô lớn nhất được tổ chức ở Nga trong những năm gần đây.

Thúc đẩy đa phương, đoàn kết quốc tế

“Câu chuyện về tương lai” đã trở thành chủ đề “nóng hổi” tại nhiều diễn đàn đa phương thời gian qua. Điều đó có nghĩa rằng không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các bài toán chung toàn cầu hiện nay và một tương lai bền vững cần sự chung tay hợp tác từ cộng đồng quốc tế.

Hội nghị BRICS mở rộng diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp. Kinh tế toàn cầu có xu hướng cải thiện nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguy cơ suy giảm tăng trưởng, lạm phát cao kéo dài, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống toàn cầu tác động sâu rộng đến nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển bền vững của các quốc gia.

Trong “nguy” có “cơ”, giữa những rối ren đan xen, đa chiều, những xu thế phát triển mới của thời đại, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sự phát triển vượt trội của công nghệ, trí tuệ nhân tạo lại đang mở ra triển vọng phát triển và hợp tác cho các nền kinh tế mới nổi.

Kết hợp những “bài toán”, thách thức và cơ hội đó, Hội nghị BRICS mở rộng lần này tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có phát triển bền vững, an ninh lương thực và năng lượng, xây dựng một hệ sinh thái quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả, bao trùm, đề cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển. Mục tiêu trọng tâm lớn nhất của Hội nghị nhằm chung tay xây dựng thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người dân.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến hợp tác, liên kết kinh tế toàn cầu trước những trăn trở chung của thời đại tại các diễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, các cơ chế APEC, G7, G20… Những nỗ lực của Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng quốc tế. Do vậy, việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị BRICS mở rộng tiếp tục nối dài nỗ lực xuyên suốt, thể hiện cam kết và trách nhiệm của Việt Nam đồng hành cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong nỗ lực góp phần vun đắp hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển trên thế giới.

“Với tâm thế của ngoại giao thời đại mới là tăng cường đóng góp, nỗ lực hết mình vì hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm tại Hội nghị BRICS mở rộng”. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng thảo luận với các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế đang phát triển về những vấn đề đang đặt ra; chia sẻ với bạn bè quốc tế về khát vọng của Việt Nam, từ một quốc gia trải qua biết bao đau thương, mất mát, khó khăn, nay đang tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Điều đó càng làm rõ vị thế, vai trò, tầm vóc của Việt Nam đối với các vấn đề phát triển của nhân loại, chuyển tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, hợp tác, phát triển, năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Những tiềm năng hợp tác mới

Trong 20 năm qua, BRICS có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ 1/1/2024, BRICS kết nạp thêm năm thành viên là Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE và Saudi Arabia. Với việc mở rộng thành viên, BRICS dần trở thành một tập hợp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có quy mô hàng đầu thế giới và tiềm lực ngày càng to lớn; đã và đang trở thành một tổ chức đa phương có uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, cơ chế hợp tác toàn diện, nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của các quốc gia trên thế giới.

Về quy mô kinh tế, BRICS quy tụ nhiều nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năng động. Đến nay, BRICS đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu, 49% sản lượng lúa mì, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Các nước thành viên BRICS đứng đầu về giá trị trữ lượng tài nguyên, khoáng sản và nằm ở các cửa ngõ giao thương lớn, có vị trí chiến lược kết nối giao thông với các châu lục khác…

Vì vậy, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự Hội nghị BRICS mở rộng mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS, trước hết là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các quốc gia thành viên và đối tác của BRICS, đồng thời cho phép tiếp cận với các cơ chế, nguồn lực dồi dào, thị trường rộng lớn phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Những năm qua, theo lời mời của các nước Chủ tịch của khối, Việt Nam đã cử đại diện tham dự một số hoạt động trong khuôn khổ BRICS mở rộng. Riêng trong năm 2024, Việt Nam đã tham dự nhiều hoạt động của BRICS mở rộng ở các cấp khác nhau, cả kênh Đảng lẫn Nhà nước. Thêm vào đó, hiện nay, Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với tất cả các nước thành viên BRICS, trong đó có quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc (từ năm 2008), Đối tác chiến lược toàn diện với Nga (năm 2012), Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ (năm 2016). Đây thực sự là những nền tảng quan trọng để Việt Nam và BRICS tiếp tục khai phá những triển vọng hợp tác mới vì mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Alexander Novak. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Alexander Novak. (Nguồn: VGP)

Khẳng định tình bạn thủy chung Việt-Nga

Nước chủ nhà - Liên bang Nga hết sức coi trọng sự tham dự của Việt Nam tại Hội nghị BRICS mở rộng lần này. Sự trân trọng từ cả hai bên phát đi thông điệp về mối quan hệ đặc biệt, tình bạn thủy chung giữa Việt Nam và Liên bang Nga, là sự tiếp nối và phát huy hiệu quả mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và tôn trọng lẫn nhau.

Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Liên bang Nga, diễn ra tại thời điểm hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2025.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc gặp chính thức với Lãnh đạo cấp cao, cũng như các đối tác, các tập đoàn kinh tế lớn của Liên bang Nga. Hai bên tập trung trao đổi những phương hướng lớn trong hợp tác song phương thời gian tới cũng như trao đổi những vấn đề cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng, dầu khí, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa; góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga ngày càng phát triển, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga vào đầu năm 2025.

Như vậy, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng, một diễn đàn đa phương thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tiếp tục định vị Việt Nam là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh trên thế giới; viết tiếp những câu chuyện thành công trong mối quan hệ đặc biệt Việt-Nga đi cùng năm tháng.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-tham-du-hoi-nghi-brics-mo-rong-cung-vun-dap-hoa-binh-chap-canh-tuong-lai-291192.html