Thủ tướng thăm, tặng quà học sinh có hoàn cảnh đặc biệt
Chiều 30/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên HS có hoàn cảnh đặc biệt nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, tháng hành động vì trẻ em.
Hai cơ sở Thủ tướng đến thăm là Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner - Hà Nội và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thuộc Trường CĐ sư phạm Trung ương.
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà; đại diện Văn phòng Chính phủ và các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Ngôi nhà thứ hai của học sinh có hoàn cảnh đặc biệt
Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner - Hà Nội thành lập từ năm 1994 mang tên người sáng lập ra tổ chức Làng trẻ em SOS. Năm học 2022-2023, trường có 30 lớp, từ lớp 1 đến lớp 12 với 967 học sinh. Trong đó có 114 cháu (chiếm 11,8%) là học sinh đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Làng trẻ em SOS Hà Nội và một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt.
Chia sẻ của cô Đỗ Khánh Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, trong 29 năm (1994-2023), Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner - Hà Nội đã giáo dục hơn 600 học sinh đến từ Làng trẻ em SOS Hà Nội, các con là trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hơn 70% học sinh SOS học tập và tốt nghiệp tại trường đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định. Đến nay, đã có hơn 400 em tự lập, lập gia đình, nhiều em đã là chủ doanh nghiệp, kĩ sư, bác sĩ, giáo viên, có học vị tiến sĩ, thạc sĩ.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thân tình động viên, hỏi thăm sức khỏe, tình hình học tập, ăn uống, nghỉ ngơi của học sinh tại trường. Mong các em học giỏi, chăm ngoan, làm những điều tốt lành, được chăm sóc đầy đủ, an toàn, được chăm lo để yên tâm học tập, trưởng thành, Thủ tướng yêu cầu nhà trường tạo được một hệ sinh thái tốt nhất cho học sinh, làm sao các em đều bình đẳng, không ai bị thiệt thòi.
Vật chất là cần thiết nhưng tinh thần cũng rất quan trọng. Do đó, Thủ tướng mong thầy cô đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ để có thể thực sự có cảm xúc, động lực chăm sóc học sinh tốt nhất. Với những cựu học sinh của trường đã trưởng thành, thành công, Thủ tướng hy vọng đây sẽ là những tấm gương sống động, người truyền cảm hứng, động lực để các em thế hệ sau phấn đấu, trưởng thành.
Tại Trung tâm hòa nhập, Giám đốc Trung tâm Lê Thị Thúy Hằng cho biết: Năm 2003, Trường CĐ Sư phạm trung ương được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên ngành giáo dục đặc biệt và thí điểm đề án can thiệp sớm, giáo dục phổ thông cho học sinh khuyết tật bằng phương pháp ngôn ngữ kí hiệu. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thành lập và có nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thí điểm được giao.
Hiện đây là cơ sở duy nhất có hệ thống các lớp can thiệp sớm, giáo dục phổ thông và đào tạo trình độ cao đẳng cho người khuyết tật bằng ngôn ngữ kí hiệu, góp phần đáp ứng cơ hội được tiếp tục học tập của một bộ phận học sinh khuyết tật khi các địa phương chưa có đủ đội ngũ giáo viên sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong dạy học.
Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho hơn 200 học sinh khuyết học tập ở các cấp mầm non, giáo dục phổ thông; đón nhận 12 đến 15 sinh viên khuyết tật nghe nói học tiếp lên trình độ CĐ. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo tốt nghiệp 1 khóa gồm 8 sinh viên khuyết tật. Các thế hệ học sinh, sinh viên khuyết tật của Trung tâm trưởng thành, tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng và khẳng định vị trí, năng lực của mình trong xã hội.
Một số gương mặt tiêu biểu trưởng thành từ Trung tâm như: cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Ánh Hồng đang là giáo viên dạy học sinh khuyết tật nghe nói tiểu học và có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng người khuyết tật Việt Nam. Các sinh viên ngành thiết kế đồ họa như Nguyễn Thị Lan Anh - Á hậu người điếc thế giới, Nguyễn Thị An My - Nhiếp ảnh gia người khuyết tật nghe nói, góp phần khẳng định thành công và vị thế trong xã hội của cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong phát triển Trung tâm, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, mong được Thủ tướng và các bộ ngành quan tâm để bảo đảm thực hiện chính sách không có học sinh nào, nhất là những học sinh khuyết tật bị bỏ lại phía sau.
Tạo điều kiện để trẻ em phát triển vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục, toàn thể học sinh trên toàn quốc nói chung và các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng đồng thời đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của thầy và trò của Trung tâm và Trường, nhất là vai trò của các thầy cô có ý nghĩa đặc biệt đối với các cháu.
Dẫn câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”, Thủ tướng nhấn mạnh: Bảo vệ, chăm sóc thế hệ trẻ nói chung, học sinh khuyết tật nói riêng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội và của mỗi cá nhân.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh; coi đây là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài.
Giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân chăm lo, nhất là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi... và đã đạt được những kết quả rất cơ bản, quan trọng, toàn diện. Nhiều trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt đã được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm cải thiện điều kiện học tập và chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật.
Qua báo cáo của lãnh đạo Trung tâm và nhà trường, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi những năm qua, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, vướng mắc về cơ chế hoạt động, nhưng các thầy cô giáo, học sinh đã rất cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực mỗi ngày để dạy tốt và học tốt.
Thủ tướng đồng thời thể hiện sự cảm động, trân trọng, thấu hiểu những nỗ lực, cố gắng của các học sinh, bằng ý chí và nghị lực đã vượt qua khó khăn. Nhiều học sinh đã trưởng thành, hòa nhập với cộng đồng, không chỉ lo được cho cuộc sống của bản thân mà còn có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Giai đoạn phát triển mới đặt ra cho công tác về trẻ em nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng nhiều khó khăn, thách thức mới. Những rào cản của việc tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết. Để vượt qua những thách thức đó, Thủ tướng cho rằng, cần đến sự quyết tâm với những nỗ lực to lớn hơn nữa của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục có vai trò nòng cốt.
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, giáo dục trẻ em khuyết tật nói riêng. Trong đó, tập trung giải quyết tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; giáo viên xin thôi việc, bỏ việc, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông.
Lưu ý đến thái độ tôn trọng học sinh, không phân biệt đối xử, Thủ tướng đồng thời yêu cầu cần tăng cường giáo dục cho trẻ em kỹ năng sống, trang bị khả năng tự bảo vệ mình trước những hiểm họa như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực; kỹ năng phòng chống cháy nổ, tai nạn thương tích…
Đồng thời, khắc phục tình trạng trường tạm, điểm trường còn xa, điều kiện sinh hoạt, dạy và học của thầy, trò còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nhà vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các trường học…
Khắc phục tình trạng thiếu nơi vui chơi giải trí an toàn, bổ ích, nhất là trong dịp hè để trẻ em tránh xa thiết bị điện tử; từ đó ngăn chặn những thông tin xấu độc, không lành mạnh trên môi trường mạng, văn hóa ngoại lai, gây ảnh hưởng lớn về tâm sinh lý đối với học sinh.
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về người khuyết tật, trong đó có trẻ em khuyết tật, học sinh khuyết tật. Sớm trình ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Có giải pháp cải thiện cơ sở vật chất, chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp đối với đội ngũ thầy cô giáo các trường chuyên biệt.
Với chính quyền địa phương các cấp, theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ... cho học sinh. Tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng, những nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ cao chịu tổn thương cũng được Thủ tướng lưu ý. Mục đích để ngày càng ít đi và không còn những trường hợp đáng tiếc, đau lòng xảy ra.
Nhấn mạnh việc nghiên cứu, phát triển Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập - Trường CĐ Sư phạm Trung ương lớn mạnh, có vai trò dắt hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập khác của các địa phương, Thủ tướng mong muốn: các thầy cô của hệ thống trường chuyên biệt nói chung, của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập nói riêng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục chia sẻ, đồng cảm, thương yêu, dạy dỗ, chỉ bảo các học sinh trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.
Đối với các học sinh, Thủ tướng gửi gắm, mong mỏi hãy noi theo những tấm gương sáng trong cuộc sống, không mặc cảm mà cần luôn lạc quan, tự tin, nuôi dưỡng đam mê, ước mơ, hoài bão; quyết tâm vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện; đồng thời, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bạn có hoàn cảnh tương tự.
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao, trân trọng cảm ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chia sẻ và có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em khuyết tật, chung tay mang lại cho các cháu tình yêu thương và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Tại Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner - Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập của Trường CĐ sư phạm Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thăm cơ sở vật chất trường lớp, thăm hỏi, động viên các em học sinh. Dịp này, Thủ tướng cũng trao tặng sách, thiết bị cho nhà trường, Trung tâm; tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt và tặng quà 1/6 cho các em học sinh. Dịp này, Bộ GD&ĐT cũng trao tặng 25 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.