Thủ tướng Thụy Điển bác khả năng trưng cầu dân ý để gia nhập NATO

Ngày 28/4, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố chính phủ nước này không có kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân nếu Quốc hội quyết định xúc tiến nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời báo giới, Thủ tướng Andersson cho rằng tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề xúc tiến xin gia nhập NATO là một ý tưởng không phù hợp. Nhà lãnh đạo Thụy Điển nhấn mạnh có rất nhiều thông tin mật về an ninh quốc gia, do đó không thể đưa ra thảo luận trong một cuộc trưng cầu ý dân như vậy.

Cùng ngày, Phần Lan đã hoan nghênh cam kết của NATO về việc bảo vệ quốc gia Bắc Âu này trong quá trình đăng ký gia nhập liên minh.

Tổng thống Phần Lan Niinisto xác nhận rằng một lần nữa, Tổng Thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết định của nước này về việc xin gia nhập NATO. Nhà lãnh đạo Niinisto cũng cho hay ông sẽ sớm có cuộc gặp trực tiếp với người đứng đầu liên minh quân sự này. Bên cạnh đó, ông nêu rõ Quốc hội, chính phủ và Tổng thống sẽ đánh giá tất cả các tác động của tình hình an ninh mới, từ đó sẽ cân nhắc vấn đề nộp đơn xin trở thành thành viên của NATO.

Cờ của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh: Reuters

Cờ của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh: Reuters

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Niinisto có cuộc điện đàm với TTK Stoltenberg. Trong khuôn khổ điện đàm, người đứng đầu NATO nhấn mạnh "chắc chắn rằng chúng ta có thể có các thỏa thuận cho khoảng thời gian tạm thời giữa (thời điểm) Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn đăng ký và cho đến khi việc thông qua chính thức được hoàn tất".

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã buộc Thụy Điển và Phần Lan xem xét lại quan điểm lâu nay rằng lập trường trung lập về mặt quân sự là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh quốc gia. Giới phân tích nhận định các nhà lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định vào giữa tháng 5 tới về việc có xin gia nhập NATO hay không. Động thái này sẽ mở đường cho việc đệ đơn xin gia nhập trước khi các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 năm nay.

Theo quy định, bất kỳ nước nào xin gia nhập NATO đều phải nhận được sự chấp thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên trong liên minh quân sự này. Tiến trình gia nhập có thể kéo dài từ 4 tháng cho tới 1 năm.

Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thu-tuong-thuy-dien-bac-kha-nang-trung-cau-y-de-gia-nhap-nato-20220429100418461.htm