Thủ tướng: 'Tôi tin Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai'

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam, vì Việt Nam đang xây dựng cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh.

Chiều ngày 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND thành phố và khách mời, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế chính thức được diễn ra.

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế Thành phố thiết kế phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ. Phiên đối thoại này nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia.

Tại phiên đối thoại, TS. Trần Du Lịch (điều phối chương trình) đặt vấn đề, rất nhiều nước đang cạnh tranh để thu hút đầu tư các doanh nghiệp “đầu đàn” về chip, bán dẫn… Về lĩnh vực này, chúng ta có chính sách cụ thể nào, đặc biệt lĩnh vực đầu tư FDI thế hệ mới?

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế TP.HCM thiết kế phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Lê Toàn

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế TP.HCM thiết kế phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Lê Toàn

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong định hướng chỉ đạo chung tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị là thu hút những dự án có quy mô lớn, dự án thân thiện với môi trường, dự án có công nghệ cao để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Để triển khai các định hướng đó của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, các cơ chế, chính sách cụ thể. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần phải bảo đảm các điều kiện căn bản để họ nhìn vào và đến với Việt Nam.

Đầu tiên là các định hướng về phát triển và định hướng về chính sách phải rõ ràng, minh bạch, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy. Ở đây liên quan đến vấn đề định hướng trong chiến lược phát triển của Việt Nam cũng như là trong các kế hoạch cụ thể phát triển ngành, lĩnh vực để các nhà đầu tư quan tâm.

Thứ hai, liên quan các điều kiện căn bản của đầu tư nước ngoài, bao gồm điều kiện về đất đai, điều kiện về nguồn nhân lực, điều kiện về năng lượng… Việt Nam có rất nhiều thay đổi đối với việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến các yếu tố này để thu hút các nhà đầu tư, đón nhận các thay đổi về dòng vốn đầu tư trong bối cảnh mới.

Chẳng hạn sửa đổi Luật Đất đai để làm sao tăng cơ hội tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư.

Đối với nguồn năng lượng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và cũng như chỉ đạo của Thủ tướng là rất quyết liệt trong triển khai đường dây 500 kV mạch 3 với một mục tiêu cao nhất là không để thiếu điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận đây cũng là một định hướng, đột phá lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, đối với việc thu hút, hấp dẫn các dự án đầu tư thế hệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán dẫn, hay các lĩnh vực mới, thì có các chính sách bổ sung. Mới nhất là Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án đào tạo 100.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI để phục vụ định hướng thu hút mới.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần phải bảo đảm các điều kiện căn bản để họ nhìn vào và đến với Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần phải bảo đảm các điều kiện căn bản để họ nhìn vào và đến với Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn.

Hiện nay, để duy trì được môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư và trong đối tượng của quỹ hỗ trợ đầu tư là hướng tới thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mới về chip bán dẫn, hydrogen xanh… Chính sách này nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp có tính khả thi trong việc mở rộng đầu tư ở Việt Nam; giữa các dự án hiện hành mà doanh nghiệp đang vận hành với việc mở rộng, đầu tư thêm dự án mới mà doanh nghiệp đã triển khai ở Việt Nam.

Đối với việc thu hút FDI trong các dự án đầu tư công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết vừa qua Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi.

Trong Luật Viễn thông sửa đổi, lần đầu tiên đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào Luật để quy định, quản lý, nhưng chủ yếu là để xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển, thu hút các nhà đầu tư đối với các trung tâm dữ liệu lớn, rất lớn.

“Chuyển đổi số rất cần những trung tâm dữ liệu với quy mô rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cũng đã chủ động xây dựng nhưng chúng ta vẫn cần nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài tham gia”, ông Long nói.

Thứ trưởng Phạm Đức Long nói thêm, Luật Viễn thông đưa vào 2 điểm mấu chốt.

Thứ nhất là các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ góp vốn khi tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu.

Thứ hai, các trung tâm dữ liệu cũng không phải bị cấp phép. Cơ quan quản lý nhà nước theo nguyên tắc hậu kiểm để bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Ảnh: Lê Toàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Ảnh: Lê Toàn.

Trao đổi tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong phát triển đất nước, nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

“FDI mang lại nguồn vốn, công nghệ, quản trị, góp phần đào tạo nhân lực và thị trường”, ông nói.

Trong điều kiện hiện nay, nguồn FDI rất quan trọng và mang tính đột phá vì nguồn lực bên trong có hạn. Từ đầu năm tới nay, FDI toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút 21 tỷ USD nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân 14 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Muốn thu hút FDI, Thủ tướng cũng chỉ ra 3 vấn đề cần tập trung.

Thứ nhất, thể chế sao cho thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, giảm thủ tục, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn.

Thứ hai, hạ tầng phải thuận tiện, thông suốt. Theo Thủ tướng, hiện chi phí logitstics của Việt Nam chiếm 17 - 18% GDP, phải kéo giảm xuống ngang các nước tiên tiến là khoảng 11 - 12% GDP. Muốn vậy, phải phát triển hạ tầng, việc này ngoài tạo không gian phát triển mới, tăng giá trị đất đai thì còn giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế.

Thứ ba, quan tâm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây….

“Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam, vì Việt Nam đang xây dựng cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cam kết Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

"Tôi tin Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai", Thủ tướng tuyên bố.

Trọng Tín - Lê Toàn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-tuong-toi-tin-viet-nam-la-diem-den-dau-tu-hap-dan-hien-nay-va-tuong-lai-d225837.html