Thủ tướng: Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là sân chơi tự do và có lợi
Thủ tướng cho rằng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một sân chơi tự do và có lợi, nhưng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm trên khi phát biểu kết luận cuộc họp thảo luận, cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, chiều 22/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo Nghị quyết với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không quá cầu toàn, không nóng vội, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; đã làm là phải thành công, phải thắng lợi, làm tới đâu chắc tới đó, đã làm phải chắc, đã chắc phải thắng, đã thắng phải bền vững, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân.
Thủ tướng cho biết, để tăng trưởng 2 con số thì phải có vốn, trong khi chúng ta đang thiếu vốn. Do đó, phải xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế để bổ sung nguồn lực tài chính cho 2 mục tiêu 100 năm (đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao).
Theo người đứng đầu Chính phủ, để đạt mục tiêu đề ra trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, môi trường pháp lý phải cạnh tranh, minh bạch, tiến bộ, thông thoáng; hạ tầng phải hiện đại, tiên tiến, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp xu thế thế giới và điều kiện cụ thể, hoàn cảnh Việt Nam; nhân lực phải chuyên nghiệp, chất lượng cao; có các điều kiện cần thiết để vận hành trung tâm; quản trị phải thông minh, hiện đại, phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, tất cả những điểm này phải vượt trội so với các trung tâm tài chính hiện có trong khu vực và trên thế giới; đặc biệt là bảo đảm quyền tài sản, bảo đảm tự do, sáng tạo trong kinh doanh, tự do đi lại, ra vào thuận tiện, có chính sách visa thuận lợi với những người cần khuyến khích, tạo môi trường sống vượt trội, thuận lợi, an toàn.
Mục tiêu được Thủ tướng đề cập khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là thu hút vốn cho phát triển đất nước nhanh, xanh, bền vững, đặc biệt là vốn trung và dài hạn; tạo môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, thiết lập và cung ứng các dịch vụ tài chính hiện đại cho thế giới; phát triển đồng tiền số phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện Việt Nam, bảo đảm tự do luân chuyển dòng vốn và lợi nhuận hợp pháp phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam, không để lợi dụng, thao túng đưa nguồn lực của Việt Nam ra bên ngoài trái quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một sân chơi tự do và có lợi nhưng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể liên quan; thu hút nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp, cả vào khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý tự do hóa các hoạt động kinh doanh nhưng có lộ trình phù hợp với nền kinh tế; cắt bỏ tất cả các loại giấy phép sau khi đã có quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và tăng cường hậu kiểm; vận hành trung tâm theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu và quy luật giá trị, có sự quản lý thống nhất của Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; có tòa án chuyên biệt tại trung tâm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; đặc biệt là tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để trình Bộ Chính trị xem xét và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong Kỳ họp thứ 9; đồng thời xây dựng các nghị định chuyên ngành để sớm xây dựng, đưa vào vận hành trung tâm.
Tại cuộc họp, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; đây là dự thảo lần thứ 29 sau nhiều sửa đổi, bổ sung.
Các vấn đề được thảo luận gồm: Mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; các định hướng phát triển và lĩnh vực trọng tâm; thành viên, các sản phẩm chủ yếu của trung tâm tài chính; các chính sách, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thị thực; việc áp dụng thể chế, thông lệ quốc tế; vấn đề tự do hóa ngoại hối và hoạt động ngân hàng; việc giải quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế…