Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế để huy động vốn phục vụ phát triển bền vững

Chiều 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tiếp tục thảo luận, cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Việc thành lập trung tâm được kỳ vọng sẽ là động lực thu hút nguồn lực tài chính dồi dào, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng; các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội – đây là dự thảo lần thứ 29 sau nhiều sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan, như: mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; các định hướng phát triển và lĩnh vực trọng tâm; thành viên, các sản phẩm chủ yếu của trung tâm tài chính; các chính sách, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thị thực; việc áp dụng thể chế, thông lệ quốc tế; vấn đề tự do hóa ngoại hối và hoạt động ngân hàng; việc giải quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò chiến lược của trung tâm tài chính quốc tế trong việc thực hiện hai mục tiêu phát triển 100 năm: đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được điều này, Thủ tướng khẳng định, tăng trưởng kinh tế phải ở mức hai con số, và điều kiện tiên quyết là phải có nguồn lực tài chính dồi dào. Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước còn hạn chế, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là giải pháp cần thiết nhằm huy động vốn trung và dài hạn phục vụ phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, trung tâm tài chính quốc tế phải có môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh và tiên tiến; cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao; cùng cơ chế quản trị thông minh, hiệu quả, phù hợp với xu thế toàn cầu nhưng gắn với điều kiện thực tế của Việt Nam. Đặc biệt, trung tâm tài chính quốc tế phải đảm bảo các quyền tài sản, tự do kinh doanh, quyền đi lại và môi trường sống vượt trội cho các nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước.

Về định hướng cụ thể, Thủ tướng cho biết trung tâm sẽ tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư cho phát triển nhanh, xanh và bền vững; cung cấp các dịch vụ tài chính hiện đại cho khu vực và thế giới; phát triển đồng tiền số phù hợp với xu thế toàn cầu; đảm bảo tự do luân chuyển dòng vốn và lợi nhuận hợp pháp, đồng thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng để chuyển nguồn lực trái quy định ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý rằng, tự do hóa hoạt động kinh doanh tại trung tâm cần có lộ trình phù hợp với thực trạng kinh tế trong nước. Cần mạnh dạn cắt bỏ các loại giấy phép con, tăng cường hậu kiểm, vận hành theo cơ chế thị trường nhưng dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng; thành lập tòa án chuyên biệt ngay tại trung tâm để giải quyết các tranh chấp một cách chuyên nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-de-huy-dong-von-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-419557.html