Thủ tướng truy trách nhiệm 28 địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm

Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Không để ngâm vốn, bứt tốc giải ngân đầu tư công

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đầu tư, trong đó có đầu tư công. Hiện, chúng ta đang ưu tiên cho tăng trưởng theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, để làm được điều này thì cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư, gồm đầu tư trong nước và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, đầu tư công, đầu tư xã hội và người dân… Kết luận của Trung ương đã khẳng định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển.

Cùng với đó, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Đầu tư công tạo nền tảng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, góp phần khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực, không gian phát triển mới; tăng cường liên kết, giảm chi phí logistic; nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, vùng và quốc gia;

Bên cạnh đó, còn đóng vai trò là “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư là động lực có thể chủ động cao nhất.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 so với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, "điểm nghẽn", làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt, đúc kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các cơ quan, các địa phương phát biểu đi thẳng vào vấn đề, phát biểu ngắn gọn, rõ ý trên tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, báo cáo, tham luận nêu rõ thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình, trong đó nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp. Cam kết giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao có đạt được không? Kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong trường hợp không hoàn thành mục tiêu giải ngân.

28 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần quan tâm, điều hành, chỉ đạo sát sao.

Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về đầu tư công thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Chỉ thị, 04 Công điện và rất nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng hợp đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao vốn đầu tư công chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%).

Trong số đó, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, trong đó một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao là: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các địa phương: Nam Định; Thanh Hóa; Lào Cai; Phú Thọ; Bà Rịa - Vũng Tàu; Tiền Giang.

Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao, với 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương.

Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-truy-trach-nhiem-28-dia-phuong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cham-332491.html