Thủ tướng: Tự tin, tự lực, tự cường để phát triển Vùng trung du và miền núi phía bắc xanh, bền vững và toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương trong Vùng trung du và miền núi phía bắc cần tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển nhanh của cả nước.

Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 27/8, tại thành phố Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào Vùng với chủ đề "Tiềm năng-Cơ hội-Hợp tác phát triển".

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cán bộ lãnh đạo chủ chốt của 14 tỉnh Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và 4 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; đại diện một số tổ chức quốc tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp vốn FDI.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn báo cáo về các nội dung chính trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn báo cáo về các nội dung chính trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị 3 trong 1

Đây là Hội nghị "3 trong 1" nhằm triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người Vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư cho Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh với diện tích hơn 95.000 km2 (chiếm 28,74% diện tích cả nước), là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc. Dân số gần 13 triệu người (13% dân số cả nước), đóng góp 8,54% GDP cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị đã nghe công bố Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8/2022 thành lập Hội đồng điều phối Vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021–2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối Vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện Vùng trung du và miền núi phía bắc; tham luận của một số bộ, ngành, địa phương, nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra chương trình xúc tiến đầu tư vào vùng, Lễ trao thỏa thuận hợp tác và các biên bản ghi nhớ với các nhà tài trợ; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn trong phát huy thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vai trò "phên dậu" và "lá phổi" của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đối với đất nước.

Để triển khai hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP nhằm thống nhất công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết. Hội nghị nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong Vùng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong Vùng đang nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp xây dựng giao thông trong Vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong Vùng đang nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp xây dựng giao thông trong Vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu, 21 chỉ tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030, trong đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8%-9%; quy mô kinh tế vùng đến năm 2030 đạt 2,1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân của người dân đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2%-3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 54%-55%... Hình thành 5 cực tăng trưởng trong vùng, bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mới đây, lần đầu tiên Hội đồng điều phối Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được thành lập, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch, một số bộ trưởng làm Phó Chủ tịch, các ủy viên là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch UBND của 14 tỉnh trong Vùng. Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ và đề ra các giải pháp thực hiện như Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là "Đổi mới tư duy phát triển, nhất là liên kết Vùng", "Xây dựng cơ chế liên kết và phối hợp phát triển Vùng hiệu lực, hiệu quả".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhắc lại quan điểm trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ: "Phát triển nông nghiệp Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hóa, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản".

Ông cho rằng, nếu chỉ cứ thiên về các chỉ tiêu năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản, thì tăng trưởng, phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác. Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm, hay đơn giản là biết cách in tên khách hàng lên từng hộp trà một cách trân trọng, nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan tỏa khắp vùng cao.

"Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong nông nghiệp, trước hết, cần xoay quanh đồng bào dân tộc, người nông dân, cộng đồng dân cư nông thôn, cộng đồng trong các thôn, bản rẻo cao, tạo dựng sự kết nối gần gũi, thân thiết đến du khách, đến người tiêu dùng. Đây cũng là những điều mà Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu và các địa phương khác đang kiên trì theo đuổi và đạt được thành công bước đầu", ông nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong Vùng đang nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để từ trong 1 đến 2 nhiệm kỳ, sẽ tạo bước tiến rõ rệt về xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong Vùng, từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển đường bộ gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng, khai thác các sân bay như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Nà Sản (Sơn La) sẽ tạo đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, thậm chí kể cả các nhà đầu tư lớn như Samsung, khi phần lớn các sản phẩm của họ được vận chuyển đi khắp thế giới bằng đường hàng không.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, nắm vững và triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, nắm vững và triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết nhấn mạnh yêu cầu tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải vào cuộc để tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những vấn đề có tính chất nền tảng trong quá trình phát triển của đất nước; những thành tựu, kết quả nổi bật trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua; bối cảnh tình hình thế giới và những xu thế phát triển như chuyển đổi năng lượng để thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử… mà các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, nắm vững và vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những vấn đề có tính chất nền tảng trong quá trình phát triển của đất nước; những thành tựu, kết quả nổi bật trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những vấn đề có tính chất nền tảng trong quá trình phát triển của đất nước; những thành tựu, kết quả nổi bật trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Vùng có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN; giàu tài nguyên, khoáng sản, có thế mạnh phát triển công nghiệp và chế biến khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản với gần 2,2 triệu ha đất nông nghiệp, diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước; tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (53,4%), chiếm gần 40% diện tích rừng cả nước, là "lá phổi" của quốc gia; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc với thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, tiềm năng của vùng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, có nơi, có lúc còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại Trung ương, tính tự lực, tự cường chưa cao; cả vùng và các địa phương trong vùng phải có sự tự tin đi lên, tự lực, tự cường phát triển.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, nắm vững và triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã xác định 5 quan điểm rất quan trọng sau đây:

- Vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; chú trọng phát triển Vùng nhanh và bền vững.

- Yêu cầu phát triển Vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Thủ tướng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau.

Trước hết, tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine (nhất là trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi và tiêm mũi thứ 3, thứ 4 cho người dân).

Tập trung, tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện quy hoạch Vùng, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Vùng và từng địa phương trong Vùng trong thời gian tới. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi; cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả; chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng trao đổi cùng các đại biểu - Ảnh: VGP/nhật Bắc

Thủ tướng trao đổi cùng các đại biểu - Ảnh: VGP/nhật Bắc

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, gồm vốn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết Vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của Vùng… Các địa phương thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Huy động hiệu quả các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; chú trọng các mô hình: Lãnh đạo công-quản trị tư; đầu tư công-quản lý tư; đầu tư tư-sử dụng công. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; trong đó có hình thức đối tác công tư, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược.

Với lợi thế có nhiều dược liệu quý và cửa khẩu quốc tế, Thủ tướng đề nghị vùng đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu và xây dựng hệ sinh thái kinh tế cửa khẩu.

Ưu tiền nguồn lực đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ nút thắt về nguồn nhân lực. Xác định đầu tư cho giáo dục và đào tạo và y tế là đầu tư cho phát triển. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng. Triển khai hiệu quả các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người yếu thế... Chú trọng phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và phát triển kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết, trước hết là trong các tổ chức Đảng, giữ vững vai trò là "phên dậu" về quốc phòng, an ninh của vùng đối với cả nước.

Thủ tướng ghi nhận kết quả thu hút đầu tư tại Hội nghị, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển, các cơ quan Trung ương và địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và Vùng.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã cam kết thì phải làm bằng được", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "chân thành, trách nhiệm", nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền, nhân dân địa phương, tếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện Vùng. Điều quan trọng nhất là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư làm ăn, bảo toàn và phát triển vốn, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

* Trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh "Trung du, miền núi phía bắc: Tiềm năng và cơ hội" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Một số kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020:

- Tăng trưởng GRDP không ngừng được cải thiện, đều đạt mức cao nhất cả nước; bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt khoảng 9,3%. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt 6,28%, cao hơn tốc độ tăng GDP bình quân cả nước và cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước.

- Quy mô GRDP đạt 688,9 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 54,1 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 37 (2.000 USD). Mức độ tập trung kinh tế của vùng đạt 7,2 tỷ đồng/km2, gấp 3,8 lần năm 2010.

- Xuất khẩu tăng mạnh, từ 3,3 tỷ USD năm 2013 lên đến 41,7 tỷ USD năm 2020; tốc độ tăng trưởng đạt 57,8%/năm.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Nhiều địa phương có công nghiệp phát triển mạnh (như Bắc Giang, Thái Nguyên). Nông nghiệp phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng (như Mộc Châu, Sơn La, Bắc Giang...). Khu vực dịch vụ, du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng (thị trường du lịch được mở rộng với một số sản phẩm du lịch đặc thù gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc).

- Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

- An ninh, quốc phòng, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn trọng yếu được tăng cường; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. - Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, vững mạnh.

Hà Văn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-tu-tin-tu-luc-tu-cuong-de-phat-trien-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-xanh-ben-vung-va-toan-dien-102220827125232817.htm