Thủ tướng: Việc gì doanh nghiệp làm tốt hơn thì cho quy định để doanh nghiệp làm

Quán triệt việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế, Thủ tướng yêu cầu những gì doanh nghiệp, người dân làm tốt hơn thì thiết kế quy định để người dân, doanh nghiệp làm.

Quan điểm trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4, diễn ra sáng 18/4, theo Báo điện tử Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

"Bỏ tư duy "không biết thì không quản, không quản được thì cấm, thực hiện "không biết thì không quản", những gì doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn thì thiết kế quy định để người dân và doanh nghiệp làm", Thủ tướng đề cập.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ai làm tốt nhất thì giao việc, tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa cho các địa phương.

Song song với đó là phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần đẩy mạnh số hóa và bảo đảm an toàn, an ninh mạng để giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng cho biết tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 63 tài liệu, báo cáo; trong đó có 37 luật, nghị quyết quy phạm. Đây là số lượng văn bản lớn, quan trọng, có tác động sâu rộng.

Thời gian từ nay đến khai mạc kỳ họp (dự kiến 5/5) không còn nhiều nhưng khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề, phạm vi rộng, yêu cầu rất cao, tính chất rất phức tạp.

Theo Thủ tướng, từ đầu năm tới nay, Chính phủ tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 24 dự án luật, nghị quyết quan trọng. Tuần trước, Chính phủ tổ chức họp chuyên đề pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết.

Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, hôm nay, Chính phủ tiếp tục tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4, để kịp thời cho ý kiến các dự án luật dự kiến trình thông qua tại Kỳ họp thứ 9 bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 dự án luật quan trọng nhằm tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.

Quán triệt tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa", Thủ tướng cho rằng đây là những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh, đòi hỏi phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, đổi mới tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận để giải quyết vấn đề.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến về 5 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương; "1 luật sửa 7 luật" để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiệu quả, an toàn, phù hợp với thực tiễn.

Anh Nhật

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thu-tuong-viec-gi-doanh-nghiep-lam-tot-hon-thi-cho-quy-dinh-de-doanh-nghiep-lam-ar938406.html