Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu

Trong bối cảnh các doanh nghiệp các tỉnh, thành cả nước đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế quan đầy biến động, tình hình xuất khẩu các mặt hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng Quý I/2025 vẫn có một số tín hiệu đáng mừng, đặc biệt mặt hàng ngành chè, cà phê, rau quả có giá trị xuất khẩu tăng trở lại.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm năm 2024 của Lâm Đồng đạt 104,15 triệu USD

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm năm 2024 của Lâm Đồng đạt 104,15 triệu USD

Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 985,77 triệu USD, bằng 106,1% so với năm 2023. Với kịch bản tăng trưởng 2 con số Lâm Đồng đặt ra từ đầu năm, ngành công thương đặt mục tiêu hết 2025 giá trị xuất khẩu tăng 10% so với năm 2024.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU QUÝ I ĐẠT SO VỚI KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, giá trị xuất khẩu lũy kế 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 289,37 triệu USD tăng 30,27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26,31% kế hoạch năm 2025. Trong đó, doanh nghiệp trong nước ước đạt 170,3 triệu USD, tăng 17,95% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 58,9% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 119,06 triệu USD, tăng 41,1% so cùng kỳ năm trước, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Riêng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3/2025 uớc đạt 101,62 triệu USD, tăng 34,54% so với cùng kỳ năm trước.

4 tháng đầu năm 2025, hàng hóa xuất khẩu Lâm Đồng ước đạt 397,44 triệu USD, tăng 32,58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 36,13% kế hoạch năm 2025

4 tháng đầu năm 2025, hàng hóa xuất khẩu Lâm Đồng ước đạt 397,44 triệu USD, tăng 32,58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 36,13% kế hoạch năm 2025

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu Quý I/2025 của địa phương đạt so với kịch bản tăng trưởng phương án 10%. Bên cạnh đó, lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu cả tỉnh là 56,8 triệu USD, cũng đạt so với kịch bản tăng trưởng chung (tăng 22,38%).

Theo Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh, tình hình xuất khẩu trong Quý I/2025 của địa phương có nhiều khởi sắc do một số mặt hàng ngành chè, rau củ quả có giá trị xuất khẩu tăng trở lại.

Cụ thể, đối với mặt hàng cà phê nhân có thị trường tiêu thụ chủ yếu như: Ý, Bỉ, Mỹ, Đức, thống kê lũy kế 3 tháng ước đạt 14,16 ngàn tấn và ước đạt giá trị 76,03 triệu USD, giảm 26,85% về lượng nhưng tăng 38,25% về giá trị so với cùng kỳ.

Alumin và Hydroxit nhôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lâm Đồng

Alumin và Hydroxit nhôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lâm Đồng

Mặt hàng chè chế biến Quý I/2025 đạt 6,72 ngàn tấn và ước đạt giá trị 19,58 triệu USD, tăng 80,64% về lượng và 86,47% về giá trị so với cùng kỳ. Tương tự, đối với mặt hàng rau quả ước xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 6,72 ngàn tấn, ước đạt giá trị 19,58 triệu USD, tăng 11,12% về lượng và 16,06% về giá trị so với cùng kỳ.

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP ỨNG PHÓ VỚI CHÍNH SÁCH THUẾ QUAN ĐẦY BIẾN ĐỘNG

Vừa qua, ngày 10/4, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, phía Mỹ đã quyết định ngừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với 75 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Quyết định này được xem như một bước đi để giải tỏa áp lực, mở ra cánh cửa cho những cuộc đàm phán thương mại; đồng thời, cũng là tín hiệu tích cực theo nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính để Việt Nam cơ cấu lại ngành hàng, thực hiện một chính sách linh hoạt nhằm ổn định tình hình kinh tế.

Sản phẩm bột cần tây, bột rau má đậu xanh, bột rau má của Công ty Dalahouse (huyện Đơn Dương) được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ cuối năm 2024

Sản phẩm bột cần tây, bột rau má đậu xanh, bột rau má của Công ty Dalahouse (huyện Đơn Dương) được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ cuối năm 2024

Theo lãnh đạo Sở Công thương Lâm Đồng, lâu nay thị trường Mỹ không nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu chính của địa phương bởi khoảng cách địa lý xa, chưa có lợi thế cạnh tranh với một số nước có cùng cơ cấu ngành hàng ở Châu Âu, Nam Mỹ.

Trong số 985,77 triệu USD tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của địa phương năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Lâm Đồng chủ yếu là mặt hàng nông sản tươi, chiếm tỷ trọng 54% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh, tập trung vào thị trường các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… bởi dễ dàng vận chuyển và chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn.

Mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ chỉ chiếm khoảng 4,5% trong tổng xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh, chủ yếu là hàng dệt may, cà phê.

Đối với nhập khẩu, địa phương chủ yếu nhập khẩu máy móc và nguyên liệu ngành dệt may với trị hàng dệt may chiếm khoảng 60% giá trị hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đi thị trường này.

Mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ của tỉnh Lâm Đồng năm 2024 đạt 45 triệu USD, chiếm 4,5% trong tổng xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh, chủ yếu là hàng dệt may, cà phê

Mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ của tỉnh Lâm Đồng năm 2024 đạt 45 triệu USD, chiếm 4,5% trong tổng xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh, chủ yếu là hàng dệt may, cà phê

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, trong thời gian sắp tới, thị trường xuất khẩu có thể sẽ chững lại bởi tác động suy giảm từ 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, kéo theo trao đổi thương mại quốc tế bị ảnh hưởng. Thương mại quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo hướng chững lại bởi khi mức thuế cao thì nhu cầu tiêu dùng của người dân trên thế giới dự báo giảm theo.

Mặc dù tỉnh Lâm Đồng có lượng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ tương đối nhỏ, chưa gây ảnh hưởng lớn tới tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương nhưng thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh Lâm Đồng đang đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ: “Bình tĩnh, linh hoạt, bám sát thực tiễn, đồng hành cùng doanh nghiệp và chủ động đàm phán”.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, trong đó yêu cầu Sở Công thương là đơn vị chủ trì, thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về các chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ, ngành để hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh xuất khẩu, thị trường tiềm năng khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi đời sống công nhân làm việc tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm vào cuối năm 2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi đời sống công nhân làm việc tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm vào cuối năm 2022

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc biến động thuế quan hiện nay là thời cơ để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, phát triển nhanh nhưng bền vững. Đây cũng là lúc tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng tình hình mới và giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài. Không để ảnh hưởng của chính sách thuế quan tác động tới kịch bản tăng trưởng kinh tế đã đặt ra từ đầu năm 2025.

CHÍNH THÀNH - HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/tin-hieu-tich-cuc-tu-thi-truong-xuat-khau-7556ca9/