Thủ tướng: Vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo

'Chỉ có cách làm chủ và vươn lên trong khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới có thể cùng bắt kịp, vươn lên phát triển và tăng trưởng cùng thế giới, hấp thụ tốt nhất những tiến bộ của nhân loại'.

Sáng 28/10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện 2 trong 1 rất quan trọng và ý nghĩa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhìn lại gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, văn hóa, xã hội phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh toàn diện…

"Đúng như Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu trên có sự đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tuy đã có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.

"Chúng ta không thể không trăn trở khi tốc độ tăng năng suất lao động nhiều năm thấp hơn mục tiêu đề ra", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng rất vui mừng được biết có nhiều đối tác từ Hoa Kỳ như Synosyps, Cadence, Arizona, Nvidia... tham gia để cụ thể hóa các thảo thuận đã ký với NIC trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa qua.

Thủ tướng chia sẻ: "Chúng ta tin tưởng việc khánh thành cơ sở của NIC sẽ tạo ra không gian đổi mới sáng tạo mới cho đất nước ta; thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển, trở thành mô hình đổi mới sáng tạo cho đất nước; đồng thời góp phần tạo nên một biểu tượng cho Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo".

"Chỉ có cách làm chủ và vươn lên trong khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới có thể cùng bắt kịp, vươn lên phát triển và tăng trưởng cùng thế giới, hấp thụ tốt nhất những tiến bộ của nhân loại", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đối với NIC, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN và các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp cần mạnh dạn, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, tận dụng nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những cơ chế thử nghiệm, đặc thù cho các đối tượng, lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

"Xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen, y tế, giáo dục thông minh; chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK bày tỏ mong muốn đồng hành cùng tiến trình dịch chuyển năng lượng sang xanh, sạch và xa hơn, cùng hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Việt Nam bằng việc tận dụng những giải pháp năng lượng trọng tâm gồm: công nghệ phát điện Hydrogen, công nghệ thu hồi, lưu giữ carbon (CCUS), SMR và giải pháp lưu trữ năng lượng ESS mà SK đang nắm giữ.

Về vấn đề chênh lệch thông tin, hay còn gọi là “hố ngăn cách số” (Digital Divide) xảy ra giữa các thế hệ và tầng lớp xã hội đang ngày một trầm trọng. Chủ tịch Tập đoàn SK cho rằng, để giảm thiểu chênh lệch thông tin trong cộng đồng, để người dân không phân biệt tuổi tác, tầng lớp có thể tiếp cận thông tin, SK mong muốn xây dựng một tiến trình số hóa có áp dụng giải pháp công nghệ như AI, Trung tâm dữ liệu, Bán dẫn.

Và cuối cùng là phát triển bền vững, SK muốn kiến tạo những cơ hội việc làm thông qua các dự án hỗ trợ khởi nghiệp và đầu tư vào các nhóm ngành tạo giá trị gia tăng cao.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thu-tuong-vuon-len-lam-chu-khoa-hoc-cong-nghe-dua-viet-nam-tro-thanh-diem-den-cua-doi-moi-sang-tao-1096235.html