Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng trực tiếp tham gia xây dựng luật

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nhân lực, kinh phí cho công tác này.

Ngày 18/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11, thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ xác định dành ưu tiên cao nhất cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, phục vụ ba khâu đột phá chiến lược.

Trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, theo Thủ tướng, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm của các cấp, ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ảnh: VGP.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế phân bổ nguồn lực bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong quá trình thiết kế chính sách, pháp luật, Thủ tướng lưu ý việc giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư…

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ưu tiên bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này; đồng thời, phối hợp chặt với các bộ trưởng khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót vấn đề, để khoảng trống pháp lý giữa các luật.

Song song với việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, Thủ tướng cho rằng cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quan điểm người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách.

Thủ tướng lưu ý đánh giá kỹ tác động của các đề xuất chính sách mới, chú trọng việc lấy ý kiến đối tượng tác động và chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện chính sách sát thực tiễn, phù hợp với tình hình đất nước. Ông cũng nêu định hướng cho từng đề nghị xây dựng luật cụ thể.

Về đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Thủ tướng quán triệt khắc phục bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới giá; trong đó, chú ý công cụ bình ổn giá, không bỏ qua an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

 Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Thủ tướng nhắc đến nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho người dân…

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tổng kết việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động; phân tích kỹ tác động chính sách với đối tượng điều chỉnh để hoàn thiện chính sách phù hợp tình hình thực tiễn.

Với đề nghị xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), Thủ tướng quán triệt mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống rửa tiền, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản…

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-yeu-cau-cac-bo-truong-truc-tiep-tham-gia-xay-dung-luat-post1278138.html