Thủ tướng yêu cầu khởi tố cán bộ quản lý để quy hoạch bị xé nát

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có những khu đô thị ý tưởng quy hoạch rất tốt nhưng việc điều chỉnh quy hoạch không chặt chẽ đã bị xé nát. Cùng với việc khởi tố chủ đầu tư cần khởi tố những cán bộ quản lý xây dựng.

Điều chỉnh quy hoạch chưa kiểm soát chặt chẽ

Đánh giá về ngành xây dựng trong 5 năm giai đoạn 2016-2020 tại Hội nghị của Bộ Xây dựng tổ chức chiều nay (26/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả Bộ Xây dựng đã đạt được khá toàn diện trong đó có những mục tiêu hoàn thành vượt trội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, ngành xây dựng đã có những phát triển nhưng sự phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng trong đó Thủ tướng nhấn mạnh về những hạn chế trong quản lý quy hoạch.

Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 36 - 41 tầng hơn 3 vạn dân tại khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 36 - 41 tầng hơn 3 vạn dân tại khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chất lượng một số đồ án quy hoạch hiện nay còn thấp. Tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý, còn tình trạng chồng chéo, chưa thống nhất, chưa ăn khớp giữa cấp độ quy hoạch, phương án nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa được tính toán cụ thể.

Vấn đề về điều chỉnh quy hoạch được dư luận quan tâm thời gian qua cũng được Thủ tướng nêu lên một cách thẳng thắn.

"Ở một số địa phương việc điều chỉnh quy hoạch chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khi xét duyệt quy hoạch thì có hội đồng rất quy mô nhưng khi điều chỉnh thì mang tính bộ phận. Vấn đề này tôi cũng đã trao đổi từ thời tôi còn là Phó Thủ tướng. Những khu đô thị như Linh Đàm có những khoảng không gian xanh, thoáng nhưng sau lại bị lấp đầy điều này cho thấy vấn đề quản lý nhà nước, trách nhiệm của quản lý nhà nước” – Thủ tướng nói.

Đưa ra ví dụ về khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, theo Thủ tướng có những khu đô thị ý tưởng về quy hoạch rất tốt nhưng việc điều chỉnh đã xé nát quy hoạch.

“Tôi đồng ý khởi tố ông Thản (ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes- PV) nhưng cũng đồng thời phải khởi tố những cán bộ xã phường quản lý xây dựng khiến quy hoạch bị xé nát” – Thủ tướng nói.

Nêu lên những bất cập trong phát triển đô thị hiện nay, Thủ tướng cũng chỉ ra thực trạng hiện đang dồn nhiều nhà cao tầng vào trung tâm làm tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó việc di dời các trường đại học, các cơ sở nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô còn chậm. Thủ tướng cho rằng, đây cũng là vấn đề Bộ và các địa phương cần chỉ đạo kiên quyết.

Trăn trở nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân

Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội trong 5 năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên Bộ Xây dựng cũng thừa nhận với tổng diện tích hơn 5,21 triệu m2 nhà ở xã hội đã xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).

Thủ tướng trăn trở với vấn đề phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, yêu cầu Bộ Xây dựng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh thực hiện (Ảnh: VGP)

Thủ tướng trăn trở với vấn đề phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, yêu cầu Bộ Xây dựng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh thực hiện (Ảnh: VGP)

Trao đổi về vấn đề này, người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi cả Hà Nội và TP.HCM chưa đạt được mục tiêu đề ra nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Từ thực tế hiện nay, Thủ tướng nêu lên những vấn đề không chỉ Bộ Xây dựng mà các Bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu thực hiện.

“Muốn làm nhà ở xã hội được phải làm tốt về đất đai điều này do địa phương quản lý. Địa phương có khu công nghiệp phải tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân. Đó là quan điểm xuyên suốt. Thứ hai là bố trí nguồn lực thực hiện. Năm nay tôi đề nghị các Bộ tham mưu cố gắng bố trí thêm vốn đầu tư trung hạn xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Thứ ba là cơ chế. Vừa rồi Bộ trưởng Xây dựng cũng đề xuất một số cơ chế về đất đai. Đây là vấn đề rất lớn trong chỉ đạo và xây dựng chiến lược nhà ở quốc gia” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu lên một số yêu cầu và nhiệm vụ trong thời gian sắp tới cho ngành xây dựng. Trong đó Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện thể chế, pháp luật ngành xây dựng. Thủ tướng nhấn mạnh công tác thể chế là then chốt, đột phá để phát triển ngành.

"Một dân tộc muốn hùng cường vào năm 2045 mà chỉ đếm trên đầu ngón tay những doanh nghiệp, công ty xây dựng xuất khẩu thì đây là câu hỏi phải đặt ra” – Thủ tướng đặt vấn đề.

Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, 1 nhóm chỉ tiêu về diện tích bình quân nhà ở toàn quốc, nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra

Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, 1 nhóm chỉ tiêu về diện tích bình quân nhà ở toàn quốc, nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến việc xây dựng đô thị thông minh, xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tương lai. Ông cho rằng, tiến trình đô thị hóa cần gắn chặt chẽ với tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tiến trình xây dựng nông thôn. Nông thôn kiểu mẫu không để tình trạng đập phá đi làm đô thị.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành xây dựng tích cực chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành và khuyến khích mọi thành phần kinh tế phải tham gia phát triển ngành xây dựng, phát triển tư nhân.

Cùng với đó cần chú trọng đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nhân tài ngành xây dựng. Thủ tướng nhấn mạnh ngành xây dựng phải đào tạo những lớp người đảm bảo được trách nhiệm xây dựng đất nước Việt Nam, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có tài năng bản lĩnh xây dựng những công trình kiến trúc mới.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Bộ đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, 1 nhóm chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể:

-Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân 8,5% - 8,7%/năm (mục tiêu trong Kế hoạch 05 năm cả nước là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân từ 8,0 - 8,5%/năm).

- Tỷ lệ đô thị hóa: ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020 (đạt so với chỉ tiêu trong Kế hoạch 05 năm của cả nước 38 - 40%).

- Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đến năm 2020 đạt khoảng 90%. Tính đến năm 2018, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở thành thị là 99,5%, nông thôn là 90,8% (đạt mục tiêu trong Kế hoạch 05 năm của cả nước là “95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh”).

- Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị: ước đến năm 2020 đạt khoảng 91% (mục tiêu đề ra trong Kế hoạch là 90% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn).

Riêng về diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước năm 2020 đạt 24 m2 sàn/người (không đạt mục tiêu của kế hoạch đề ra là 25m2 sàn/người). Trong đó về phát triển nhà ở xã hội: 5,21 triệu m2, đạt khoảng 41,7 % so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (tại Kế hoạch mục tiêu đến năm 2020 đạt 12,5 triệu m2).

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/thu-tuong-yeu-cau-khoi-to-can-bo-quan-ly-de-quy-hoach-bi-xe-nat-700684.html