Thủ tướng yêu cầu tăng số nước được miễn visa, phát triển du lịch thông minh
Sau 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch, lượng khách quốc tế vẫn èo uột. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách visa theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử.
"Đi trước về chậm"
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra ngày 15/3, sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, việc mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm, là bước ngoặt có ý nghĩa.
Nhờ đó, theo số liệu từ Bộ VH-TT&DL, năm 2022, lượng khách nội địa bùng nổ với hơn 101 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019), mang lại nguồn thu 495 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 70% so với kế hoạch.
Về phía hàng không, dù Việt Nam đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế, song do lượng khách nước ngoài vẫn thấp nên hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%.
Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành làm rõ nguyên nhân du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Bên cạnh nguyên nhân khách quan, thì về chủ quan, tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nêu các lý do khiến lượng khách quốc tế không đạt như kỳ vọng:
Thứ nhất, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, nhưng lại chưa mở cửa do dịch bệnh; các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế triển khai chậm, không kịp thời. Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các nước cạnh tranh trực tiếp trong khu vực thì vẫn khiêm tốn. Thứ ba, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế. Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu, đặc biệt là lao động có chuyên môn và kinh nghiệm. Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp.
Nên phát động chiến dịch tương tự Thái Lan
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhắc đến tầm quan trọng của chuỗi liên kết giá trị du lịch, điều mà du lịch Việt Nam còn thiếu. Mô hình này có sự tham gia của vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, công nghệ sáng tạo, tài nguyên du lịch, giải trí, tham quan mua sắm và các dịch vụ khác.
Để phát triển mô hình chuỗi giá trị du lịch, nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, kết nối, điều phối và tạo điều kiện cho các thành phần tham gia cùng phát triển. "Tôi đề xuất Chính phủ nghiên cứu chủ trì phát động chiến dịch trên tương tự Thái Lan. Năm 2022, Thái Lan áp dụng chiến lược này và đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế", ông nói.
Ngoài ra, ông cho rằng cần có giải pháp để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch, vừa tăng trưởng chi tiêu của khách. Dẫn mô hình thành công tại Singapore và Hải Nam (Trung Quốc), ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng trung tâm outlet - giảm giá từ 50-90%, hầu hết các nước đều có, để tăng chi tiêu mua sắm và chính sách cho hoạt động kinh doanh miễn thuế phục vụ ngành du lịch.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, thì kiến nghị có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.
Đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, bà Nga cho hay đối tượng chính của BRG là khách có mức chi trả cao, gấp 2-3 lần mức chi của khách quốc tế đến Việt Nam, từ 200-300 USD/ngày. Chủ tịch BRG nhận xét chưa bao giờ khách du lịch đến Việt Nam chơi golf nhiều như hiện nay và tiềm năng rất lớn khi Việt Nam được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất thế giới.
Một trong những nút thắt cần tháo gỡ là chính sách visa.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho rằng, chính sách visa tuy có tiến bộ nhưng cần cải cách mạnh mẽ hơn, nếu không Việt Nam sẽ bị tụt hậu và đi sau các nước.
So với Thái Lan, năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượt khách thì họ đón 40 triệu; năm 2023 chúng ta đặt mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu. Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, năm 2030 chúng ta đón 35 triệu thì Thái Lan đến năm 2027 đã là 80 triệu khách.
Đại diện Sun Group đề xuất các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh, với mong muốn là các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay từ tháng 1/2024.
Tăng số lượng nước được miễn thị thực
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để đạt mục tiêu đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% là không phải dễ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ lưu ý cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Thủ tướng cũng giao việc cho từng bộ, ngành cụ thể, như: Bộ VH-TT&DL tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp; khẩn trương kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại, việc này rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Về 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào Nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành.