Thú vị kun bokator: 'Đặc sản' Campuchia trở thành thế mạnh của đoàn Việt Nam
Môn kun bokator là một trong những nét đặc trưng của chủ nhà mà Campuchia đưa vào SEA Games 32.
Kun bokator là một trong những môn thể thao mới được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games nhờ quyền lợi của nước chủ nhà. Đây là môn võ truyền thống của người Campuchia, đương nhiên chủ nhà được kỳ vọng sẽ thâu tóm huy chương.
Môn võ "đặc sản" Campuchia
Nếu như môn kun Khmer gây tranh cãi vì nguồn gốc khó phân biệt với muay Thái, kun bokator lại là môn võ chỉ có ở Campuchia. Kun bokator ra đời cách đây khoảng 2.000 năm.
Trong tiếng Khmer, “bok” có nghĩa là võ thuật, “tor” có nghĩa là sư tử. Truyền thuyết kể rằng, môn võ này được các võ sĩ thời xưa sử dụng để chống lại những con sư tử quấy phá dân làng. Câu chuyện này được ghi chép lại trong các bức phù điêu tại di tích đền Angkor Wat.
Kun bokator đã bị lãng quên tại Campuchia trong thời chiến tranh ở nửa cuối thế kỷ XX. Người có công lớn nhất trong công cuộc hồi sinh môn võ này là võ sư San Kim Sean. Ông từng phải sang Mỹ để truyền bá võ thuật, đến năm 1992 mới chính thức trở về Campuchia để mở các lò luyện bokator, giúp môn võ này lấy lại vị thế.
Năm 2022, Kun Bokator chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đây là niềm tự hào của người dân Campuchia. Việc đưa môn võ này vào chương trình thi đấu SEA Games 32 vừa mang mục đích quảng bá, vừa tạo cơ hội thâu tóm huy chương cho đoàn chủ nhà.
Tuy nhiên, Campuchia không phải đoàn duy nhất hưởng lợi từ sự xuất hiện của môn kun bokator.
"Mỏ" huy chương vàng mới của đoàn Việt Nam
Đoàn Campuchia lại không áp đảo về số lượng huy chương vàng ở môn kun bokator. Họ chỉ giành 8 huy chương vàng, trong đó có tới 6 nội dung biểu diễn. Tổng số HCV của chủ nhà ở môn này chỉ hơn đoàn thứ hai là Việt Nam 2 chiếc.
Đáng chú ý, toàn bộ huy chương kun bokator của Việt Nam (9 chiếc) đều đến ở nội dung đối kháng. Đội tuyển kun bokator giành HCV ở tất cả các nội dung tham dự, trong đó có 6 huy chương vàng và 3 huy chương đồng.
Tối qua (8/5), đoàn Việt Nam có 6 vận động viên thi đấu chung kết đều giành chiến thắng (tỉ lệ 100%). Thành tích tuyệt đối của đội tuyển kun bokator Việt Nam còn ấn tượng hơn cả đoàn chủ nhà Campuchia, họ chỉ có 4 HCV trong ngày 8/5 (2 đối kháng, 2 biểu diễn).
Tấm HCV đầu tiên thuộc về võ sĩ Phạm Thị Phượng ở hạng cân 45 kg nữ. Sau đó, võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tiền gây ấn tượng với chiến thắng tuyệt đối ở hạng cân 50 kg nữ. Cô thu hút sự chú ý với màn ra đòn khiến vận động viên Campuchia phải bỏ chạy khỏi sàn đấu và xin thua cuộc.
Với khí thế lên cao, lần lượt Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trần Võ Song Thương, Huỳnh Văn Cường và Ngô Đức Mạnh mang về thêm 4 tấm huy chương vàng.
Các VĐV Việt Nam mới tiếp xúc với kun bokator cách đây chưa lâu. Thành phần đội tuyển có nòng cốt là các huấn luyện viên, VĐV bộ môn Võ cổ truyền Việt Nam. Đội chỉ tham dự các nội dung đối kháng, bỏ qua nội dung trình diễn.
Tại SEA Games 32, kun bokator Việt Nam đứng thứ 2 toàn đoàn với 6 HCV, 3 HCĐ. Tuy nhiên, nếu tính riêng nội dung đối kháng, đội Việt Nam hoàn toàn vượt trội phần còn lại. Trong 9 nội dung combat, các VĐV Việt Nam giành tới 6 huy chương vàng.