Thư viện của nông dân

Tin ông Mẫn, một thầy giáo già, chuẩn bị mở thư viện miễn phí ngay tại nhà khiến có người bán tín bán nghi. Họ không tin ông có nhiều sách để mở thư viện. Hơn nữa nếu có mở được nơi đọc sách miễn phí thì cũng chắc gì có người đến đọc.

Nông dân một nắng, hai sương, tối ngày vất vả với ruộng đồng, thời giờ đâu mà đọc sách. Có người hoài nghi, nhưng phần lớn người dân trong làng rất ủng hộ. Họ coi đây là cơ hội để dân làng mở mang tri thức, nhất là các kiến thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.

Và rồi, cái thư viện hình thành với số lượng đầu sách ngoài mong đợi. Ngoài những cuốn sách quý ông giáo tích trữ bấy lâu, ông còn nhận được sự ủng hộ của đông đảo các hộ gia đình, trong đó, có những nhà giáo đã nghỉ hưu như ông và những người đang làm ăn, công tác ở xa quê. Sách nhiều, người đọc sách cũng mỗi ngày một nhiều thêm. Trong làng người nọ kháo người kia, những lúc rảnh rỗi, nông nhàn rủ nhau đến nhà ông Mẫn đọc sách. Người không có thời gian đến thư viện thì được con cái kể cho nghe về những cuốn sách hay đã từng đọc, phổ biến kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng, chống bệnh tật cho người và gia súc, gia cầm. Lúc đầu chỉ vài chục đầu sách, bây giờ sau hơn nửa năm hoạt động, thư viện của gia đình ông Mẫn đã có hàng trăm đầu sách, trong đó có nhiều cuốn sách quý, người dân tự góp tiền, photocopy thành nhiều bản để mọi người có cơ hội được đọc và tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm cho nhau.

Có thư viện, làng quê dường như đổi thay nhanh nhóng. Nhiều người trước đây còn ngờ vực thì nay cũng tích cực góp công, góp sức để xây dựng tủ sách của làng. Ðêm đêm, dưới ánh điện sáng, từng nhóm người lặng lẽ nghiền ngẫm, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau. Những quan niệm lỗi thời, lạc hậu vì thế đã được thay đổi, kể cả với những nông dân bảo thủ. Tiếng hay vang xa, nhiều người ham đọc ở các làng bên cũng xin đến thư viện đọc và góp sách.

Cuốn sách nằm ở giá sách gia đình thì kiến thức chỉ nằm ở gia đình đó. Sách mang đến thư viện chung thì nó trở thành kiến thức của cả cộng đồng. Một vài người có hiểu biết thì chưa tốt, nhiều người có hiểu biết thì tri thức của cả làng phát triển. Nếu được áp dụng hiệu quả vào cuộc sống thì sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo. Ông giáo Mẫn thường nói với mọi người như vậy và rất vui mỗi khi thấy người làng nườm nượp đến thư viện đọc sách để mở mang kiến thức.

HOÀNG VŨ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/41056102-thu-vien-cua-nong-dan.html