Thư viện Dương Liễu: Từ không gian 'đọc' đến không gian tri thức - văn hóa
Nằm trong con ngõ nhỏ, thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều độc giả yêu sách.
Sức hút của thư viện không chỉ đến từ những cuốn sách hấp dẫn, ở không gian đọc thân thiện mà còn đến từ những hoạt động văn hóa - sáng tạo tươi mới của những người còn rất trẻ.
“Dụ” các em nhỏ rời xa thiết bị điện tử
Rời Dương Liễu lên thành phố học đại học, chàng trai trẻ Phùng Bá Hưng cảm nhận rõ hơn nỗi thiệt thòi của đám trẻ nơi quê nhà khi ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo hay tham gia các hoạt động vui chơi, sáng tạo. Anh nhận ra rằng, việc có một thư viện nhỏ ở làng không chỉ giúp các em mở rộng kiến thức mà còn giúp các em có thêm sân chơi lành mạnh, thắp sáng những ước mơ.
Trăn trở với ý tưởng này, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tháng 9/2013, Hưng cùng một số người bạn đã thành lập thư viện Dương Liễu ngay trên mảnh đất quê nhà. Ban đầu mục đích của thư viện chỉ “khiêm tốn” là tạo địa điểm cho trẻ con trong làng tới đọc sách, để chúng tránh xa những trò game vô bổ trên các thiết bị điện tử.
Phùng Bá Hưng chia sẻ, thư viện Dương Liễu là thư viện tư nhân hoạt động phi lợi nhuận và hoàn toàn miễn phí đầu tiên trong khu vực. Duy trì hoạt động của thư viện là gần 80 tình nguyện viên, hầu hết họ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Hiện thư viện có gần 10.000 đầu sách báo, khoảng 3.200 người thuộc các lứa tuổi đăng ký thẻ đọc sách. Thư viện mở cửa khoảng 12 giờ mỗi tuần và trung bình có 150 - 200 lượt mượn sách về nhà. Với diện tích mặt sàn hơn 50m2, cơ sở vật chất của thư viện khá đầy đủ với điều hòa, bàn ghế, kệ sách…
“Văn hóa đọc là hoạt động xuyên suốt của Thư viện Dương Liễu. Để thúc đẩy việc đọc, chúng tôi có tổ chức những cuộc thi đọc sách hay thi tìm hiểu về sách cho các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Trong một tháng đầu, những ai tham gia thử thách có nhiệm vụ đọc hết cuốn sách được yêu cầu và người chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng”, Hưng kể.
Rất sáng tạo, trong lúc các em nhỏ say mê với games Pokémon Go thì nhóm của Hưng tổ chức trò chơi Pokémon Read. Qua cách làm này, tuy không có thống kê cụ thể, nhưng theo Hưng, đã có vài trăm cuốn sách được đọc. Tiếp đó, Hưng lại tổ chức những đêm sách, qua đó giới thiệu về một cuốn sách hoặc nói chuyện về một chủ đề của sách; đưa ra danh sách những đầu sách nên đọc…
Trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, thư viện tạm đóng cửa nhưng không vì thế mà hoạt động đọc sách gián đoạn. Thời gian đó, nhóm của Hưng tổ chức thư viện lưu động, mang sách đến từng điểm thôn xóm và tổ chức đọc sách cho những em nhỏ nghe, giúp các em kết nối lại tinh thần yêu sách.
Giờ đây, sau gần 10 năm hoạt động, thư viện Dương Liễu đã trở thành địa chỉ lui tới quen thuộc của cả trẻ em lẫn người lớn trong khu vực. Hầu như tất cả các buổi mở cửa, thư viện đều chật kín, nhiều hôm còn “quá tải”. Nhiều bạn nhỏ, sau những giờ học bài căng thẳng ở lớp đã tìm đến thư viện để giải trí với những cuốn truyện tranh đầy thú vị. Các bậc phụ huynh thấy con yêu sách, thích đọc sách, biết cách giúp đỡ nhau trong học tập và tiến bộ lên mỗi ngày thì rất vui mừng, ủng hộ.
Phá vỡ ranh giới “truyền thống”
Không chỉ đến thư viện Dương Liễu để đọc sách, nhiều bạn trẻ còn coi đây là nơi để gặp mặt vui chơi, để chia sẻ những kiến thức của mình cho người khác thông qua nhiều sự kiện khác nhau.
Phùng Bá Hưng chia sẻ, năm đầu tiên khi thành lập thư viện, độc giả rất ít. Anh nhanh chóng hiểu được rằng, nếu hoạt động thư viện chỉ đơn thuần là địa điểm cho mọi người đọc, mượn sách thì sẽ rất khó có được sức hút. Thế là Hưng nghĩ cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thi làm nhà phát minh, chế tạo đồ hand made...
Bước ngoặt quan trọng là năm 2019, Hưng được mời sang Mỹ giới thiệu mô hình thư viện cấp xã theo một chương trình của Đại sứ quán nước này. Sau chuyến đi, anh tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho thư viện của làng.
Hưng cho biết, anh rất tâm đắc câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Vào khoảnh khắc chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.
Để “kéo” được các em nhỏ đến với không gian đọc, trước hết Hưng cho rằng, phải để chúng được chơi đã. Vậy là có đủ trò bày ra, từ rubic, trò chơi xếp gỗ, cờ tướng, cờ vua… Rồi dần dần anh mới hướng tụi nhỏ đến việc đọc sách. Cùng với những hoạt động giao lưu chia sẻ, tặng sách, Hưng kết nối với các bạn sinh viên để các bạn trẻ được học những kỹ năng sống cơ bản, học tiếng Anh giao tiếp do tình nguyện viên nước ngoài trực tiếp đứng lớp. Học sinh, sinh viên tỏ ra rất thích thú mô hình này vì nó khiến cho khả năng giao tiếp của các em cải thiện rõ rệt nhưng lại rất hấp dẫn, khác hẳn với việc học trên lớp.
Luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo, trong thời gian qua, nhóm điều hành thư viện Dương Liễu đã và đang thực hiện hàng loạt dự án hướng về giới trẻ. Có thể kể đến “WeWatch” - dự án giáo dục thông qua hình thức chiếu phim cho các bạn đọc nhí; “Siêu sáng tạo” - dự án chuyên làm đồ chơi, sản phẩm thủ công dành cho các bạn nhỏ lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở, hướng đến khôi phục các trò chơi truyền thống...
Rồi dự án “WeHere” chuyên về tâm lý học đường, hướng tới nhóm đối tượng là các bạn trẻ vị thành niên và thanh niên từ 10 đến 24 tuổi. Hay như dự án “WeTalk” với những chủ đề thảo luận có tính thời sự với người trẻ, như định hướng nghề nghiệp, khám phá bản thân, thích nghi với thời đại công nghệ số và kỷ nguyên AI…
“WeTalk hiện có các nền tảng bao gồm các buổi nói chuyện chia sẻ kiến thức WeTalk X, kênh WeTalk Podcast, kênh YouTube, kênh giao tiếp phản hồi WeTalk Confessions và kênh video WeTalk Q + WeTalk Livestream. Chúng tôi vừa tổ chức 2 buổi chia sẻ Coffee Talk với sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ. Coffee Talk diễn ra với các hoạt động chính: Trò chơi khởi động, Phiên chia sẻ, Hỏi - đáp và Giao lưu với khách mời. Cuối buổi sẽ có thêm hoạt động ký tặng sách và postcard”, Hưng nói.
Phùng Bá Hưng nói thêm rằng, các thư viện “truyền thống” chỉ là nơi đến đọc, mượn sách. Tuy nhiên, các thư viện trong tương lai sẽ là nơi phát triển nhiều hoạt động, nhiều chương trình hấp dẫn về văn hóa, thu hút nhiều đối tượng có thể tham gia.
“Chúng tôi nghĩ rằng, thư viện không chỉ có sách, đến thư viện không chỉ đọc sách mà đây cần là không gian mở để tổ chức các sự kiện giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ. Chúng tôi muốn biến thư viện thành một trung tâm văn hóa tri thức đúng nghĩa cho cộng đồng”, chàng trai trẻ bộc bạch.
Giờ đây, không chỉ dừng lại ở thư viện Dương Liễu, Phùng Bá Hưng đang tiếp tục nối dài chặng đường lan tỏa văn hóa đọc. Anh tiết lộ, với việc thành lập dự án Local Bookable (hiện đã có 34 thành viên), anh và những cộng sự có thể kết nối và hỗ trợ duy trì mạng lưới thư viện địa phương ở Việt Nam.
“Nhiều nơi đã có thư viện tư nhân, nhiều bạn trẻ cũng muốn lập các thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý, vận hành, chỉ sau vài năm hoạt động của thư viện bị teo tóp lại. Dự án Local Bookable sẽ tư vấn, hỗ trợ miễn phí về chuyên môn, kinh nghiệm điều hành cho các nhóm thư viện tư nhân và thư viện cộng đồng trên khắp cả nước, trước mắt là 34 thành viên trong mạng lưới của chúng tôi”, Phùng Bá Hưng chia sẻ.