Thư viện Sóc Trăng nỗ lực số hóa
Trong thời đại công nghệ, độc giả dễ dàng tiếp cận sách, báo, các nguồn tài liệu, thông tin qua hệ thống mạng internet. Để bắt nhịp xu thế chung của thời đại, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc, Thư viện Sóc Trăng đã nỗ lực số hóa tài liệu nhằm đảm bảo chức năng cung cấp tri thức căn bản, lưu giữ tài liệu, tiện ích cho việc tìm kiếm thông tin, tạo thuận lợi cho bạn đọc trong việc tự học, tự nghiên cứu…
Từ năm 2016 đến nay, Thư viện tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện số hóa nguồn tài liệu bằng cách thu thập dưới dạng tập tin từ các tổ chức, cá nhân hoặc tiến hành scan và xử lý kỹ thuật từ các tài liệu giấy có sẵn trong thư viện. Với cách làm này, hiện Thư viện Sóc Trăng đã số hóa gần 350 tài liệu với khoảng 60.000 trang tài liệu địa chí. Nổi bật là năm 2022, thư viện đã bổ sung gần 5.000 bản sách điện tử từ việc mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu sách điện tử (Ebook) của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ bạn đọc trực tuyến trên website Thư viện tỉnh. Nguồn sách điện tử này rất phong phú về nội dung như: văn học, ngoại ngữ, văn hóa, xã hội, kinh tế, từ điển, các sách giáo trình, sách thiếu nhi…
Theo đồng chí Lâm Ngọc Mỹ - Giám đốc Thư viện Sóc Trăng, việc số hóa tài liệu tại các thư viện sẽ giảm tối đa diện tích và không gian lưu trữ, giúp bảo quản, duy trì tuổi thọ của tài liệu đã được lưu trữ; dễ dàng mở rộng phạm vi cộng đồng người sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của cơ quan thông tin, thư viện; tăng khả năng truy xuất tìm kiếm thông tin ở bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào một cách nhanh chóng, dễ dàng, có khả năng chỉnh sửa, tái sử dụng hoặc chuyển đổi sang loại dữ liệu số khác. Ngoài ra, việc số hóa tài liệu sẽ giúp giảm thiểu nguồn nhân lực cho việc quản lý nguồn tài nguyên thông tin truyền thống.
Thư viện tỉnh cũng đã tập trung nâng chất và phát triển website của đơn vị tại địa chỉ www.thuviensoctrang.gov.vn nhằm đảm bảo nền tảng kết nối và chia sẻ nguồn tài nguyên số đến bạn đọc. Chỉ trong năm 2022, lượt bạn đọc truy cập trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh lên đến 435.444 lượt, trong đó, có trên 30.000 lượt bạn đọc sử dụng tài liệu địa chí tỉnh Sóc Trăng đã số hóa, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập, nghiên cứu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ số hóa tài liệu, Thư viện tỉnh còn gặp một số khó khăn và hạn chế như: trang thiết bị chuyên dụng hiện đại để tạo lập nguồn tài nguyên thông tin số tại thư viện còn thiếu nên công tác số hóa tài liệu của thư viện còn mang tính thủ công, kỹ thuật xử lý còn hạn chế. Hiện nay, thư viện vẫn còn sử dụng phần mềm quản lý thư viện điện tử tích hợp Ilip 3.6, nên các tính năng mới chưa được nâng cấp, từ đó ảnh hưởng đến việc liên kết, tích hợp, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung.
Thời gian tới, để công tác số hóa tài liệu đạt hiệu quả hơn, tiến tới mục tiêu chuyển đổi số, Thư viện Sóc Trăng sẽ tranh thủ nguồn lực đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, tiện ích, phần mềm quản lý thư viện, trang thông tin điện tử; tiếp tục sưu tầm và số hóa các tài liệu quý, công trình nghiên cứu khoa học địa phương; liên kết với nhà xuất bản để sử dụng chung tài liệu số hóa, liên thông, trao đổi tài nguyên thông tin với các thư viện tỉnh, thành trong nước. Đồng thời, đơn vị sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ viên chức tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin vào việc số hóa tài liệu thư viện và chuyển đổi số…
Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 30/3/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là: đầu tư và phát triển Thư viện tỉnh hoàn thiện về hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác; phấn đấu 100% thư viện huyện, thị xã, thành phố được đầu tư về hạ tầng số (máy tính, máy scan); đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng số cho hệ thống thư viện cơ sở giáo dục, thư viện chuyên ngành trên địa bàn tỉnh; nâng cấp Trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; 60% thư viện chuyên ngành và thư viện đại học (nếu có), cao đẳng, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến truy cập được trên nhiều thiết bị (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế); 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh thu thập và quản lý được số hóa, tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành thu thập và quản lý được số hóa; 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại; trên 60% số thư viện trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.
Định hướng đến năm 2030 là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông các loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.