Thứ xưa ít người ăn nay thành đặc sản dân phố săn lùng

Thứ này từng là món ăn dân dã thời nghèo đói của người dân miền Trung nhưng nay trở thành đặc sản lạ được người thành phố tìm mua để thưởng thức.

Với những người sinh ra và lớn lên ở miền Trung nắng gió chắc chắn không còn xa lạ với nham chuối.

Nham chuối được làm từ nguyên liệu chính là củ của cây chuối hột. Đây là món ăn có từ lâu đời của người dân. Món ăn ra đời bắt nguồn bởi sự nghèo đói của người dân hàng chục năm về trước. Món nham chuối hầu như không phải bỏ ra bất cứ kinh phí nào, bởi nguyên liệu được lấy từ ngay chính trong vườn nhà mỗi người dân.

Ảnh: Báo Nghệ An

Ảnh: Báo Nghệ An

Được biết, cách chế biến nham củ chuối rất đơn giản, chỉ cần kiếm được một củ chuối hột thớ mịn, giòn rồi thái chỉ. Sau đó, ngâm củ chuối đã thái vào nước muối vắt thêm chanh. Củ chuối sau khi xả sạch mủ, chần sơ với nước sôi rồi bóp nhẹ, vắt ráo sau đó trộn với nước mắm, đường, muối, giá đỗ sẽ thành món nham củ chuối.

Để làm nên món nham chuối phải dùng củ của cây chuối hột, thêm lá chanh, ớt, giá đỗ, ...

Để làm nên món nham chuối phải dùng củ của cây chuối hột, thêm lá chanh, ớt, giá đỗ, ...

Anh Lĩnh (ở huyện Yên Thành, Nghệ An) kể với Tri thức & Cuộc sống: "Tôi cũng không biết cái tên nham chuối có từ đâu, nhưng món ăn này là một phần ký ức tuổi thơ của tôi và các bạn đồng trang lứa. Nhiều người nghĩ rằng củ chuối là thứ chát, không ăn được, chỉ thái cho lợn gà ăn, nhưng thực chất đây là nguyên liệu làm nên món nham chuối vừa thanh mát vừa ngon.

Hồi bé, hôm nào mẹ rảnh sẽ làm nham chuối để ăn cả ngày. Mỗi lần đi học về tôi thấy có món này là chạy vào ngay, cảm giác vui sướng".

Theo anh Lĩnh, chỉ có củ của cây chuối hột mới được sử dụng để làm món nham chuối. Còn củ của những cây chuối khác sẽ chát và không ngon bằng. Trước đây, mỗi khi có củ chuối hột, cả nhà lại xúm vào mỗi người một tay làm thành cả chậu nham để ăn.

"Để có món nham chuối đúng vị thì người làm phải khéo léo trong việc lựa chọn gia vị. Củ chuối sau khi thái sợi đem trộn với giá đỗ, gia vị, lá chanh và quan trọng nhất là phải có lạc rang giã nhỏ thì mới bùi. Để món ăn thêm phần hấp dẫn, cần thêm ít ớt, rau ngò và khế chua thái mỏng rồi trộn đều", anh Lĩnh chia sẻ.

Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chia sẻ với báo Hà Tĩnh, chị Trần Thị Hải Hoa, quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh), hiện sinh sống tại Hà Nội, cho biết: "Hồi nhỏ ở quê, gia đình khó khăn nên bữa ăn chủ yếu là những thực phẩm do nhà trồng, trong đó món nham chuối là món thường xuyên. Nhiều năm xa quê, mỗi lần về tôi vẫn ăn món này. Đây đúng là món đặc trưng của người miền Trung, ở Hà Nội đỏ mắt tìm cũng không có, vì thế, lâu lâu tôi phải nhờ người nhà gửi ra".

Ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy, món ăn dân dã thuở nghèo đói lại trở thành đặc sản có hương vị lạ được người thành phố tò mò tìm để thưởng thức. Tại chợ quê và một số quán ăn vặt ở Hà Tĩnh, Nghệ An, có vài địa chỉ bán nham chuối.

Bán nham chuối ở chợ, chị Bình (ở Tp.Vinh, Nghệ An) cho biết, nham chuối rẻ, dễ làm nhưng tìm được nguyên liệu không dễ. "Tôi phải đặt củ chuối hột của người dân ở Hà Tĩnh gửi ra. Chỉ vài chục nghìn đồng là đã có một đĩa đầy cho cả gia đình thưởng thức. Nhất là những ngày hè, nham chuối rất đắt khách bởi nó vừa mát vừa không bị ngán. Có hôm tôi bán vài tiếng là hết sạch hàng", chị Bình kể.

Trong khi đó, với kinh nghiệm hơn 12 năm làm nham chuối để bán, bà Nguyễn Thị Cát (thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho hay: "Món nham ngon, đúng vị đòi hỏi phải có đủ nguyên liệu và người làm phải khéo léo trong cách gia giảm. Củ chuối sau khi thái sợi đem trộn với giá đỗ, gia vị, lá chanh và lạc rang giã nhỏ. Để món ăn thêm phần hấp dẫn, cần thêm ít ớt, rau ngò, khế chua thái mỏng và trộn đều".

Làm nham có nghề nên quanh năm bán ở chợ Trại (xã Hộ Độ), hôm nào món nham bà Cát cũng hết sớm.

Không chỉ bán cho người dân trong vùng, các xã lân cận, nham củ chuối của bà Cát còn được nhiều người đặt hàng gửi đi Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, để những người con Hà Tĩnh xa quê được thưởng thức món ăn đậm vị "quê nhà" này.

"Từ thời xưa, đói khổ nên người ta nghĩ ra đủ món để ăn và món nham được coi là món ăn chính của những người nghèo. Bây giờ, nhiều người có kinh tế khá giả lại thích ăn nham vì không ngán như nhiều món giàu đạm, nguyên liệu làm nham cũng từ tự nhiên, không hóa chất độc hại", bà Cát chia sẻ.

Trong cuộc sống hiện đại, có biết bao nhiêu món ngon, món lạ, đã từng trải nghiệm với các món Tây, Tàu nhưng với nhiều người, nham củ chuối vẫn là một trong những món ăn có nhiều kỷ niệm, khó quên với cái vị bùi bùi của hương vị quê nhà.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-xua-it-nguoi-an-nay-thanh-dac-san-dan-pho-san-lung-204240719170056809.htm