Thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu HBC và HNG bị hủy niêm yết bắt buộc
Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình bị hủy niêm yết do có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Trong khi đó, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp...
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Theo HOSE, ghi nhận báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.
Theo đó, căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, cổ phiếu HBC thuộc diện bị hủy bỏ niêm yết do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.
Đồng thời, căn cứ công văn số 4615/UBCK-PTTT ngày 24/7 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc xem xét hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu, HOSE thông báo cổ phiếu HBC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc và HOSE sẽ thực hiện hủy niêm yết đối với cổ phiếu này theo quy định.
Về tình hình hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 2/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, dù doanh thu đi lùi, nhưng giá vốn hàng bán của công ty này lại tăng gần 10%, qua đó thu hẹp lãi gộp xuống còn gần 100 tỷ đồng, giảm 64%. Biên lãi gộp cũng vì thế mà giảm từ 17% xuống 4,6%.
Trong kỳ vừa qua, doanh thu tài chính của Xây dựng Hòa Bình đã tăng gấp đôi, chủ yếu nhờ chuyển nhượng thành công Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (công ty thành viên) và Công ty Cổ phần Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (công ty liên kết).
Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 270 tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của nhà thầu xây dựng này.
Theo lý giải từ ban lãnh đạo, phần lớn mức cải thiện kết quả kinh doanh quý vừa qua là nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm do hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng phải thu. Trong quý 2, tập đoàn liên tục tăng thu nợ khách hàng trong khi chi phí lương và các chi phí liên quan giảm nhờ tái cơ cấu thành công.
Xây dựng Hòa Bình cũng ghi nhận gần 515 tỷ đồng lợi nhuận khác nhờ bán máy móc thiết bị ra bên ngoài. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tập đoàn tăng 10% lên 3.811 tỷ đồng và lãi sau thuế 741 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu HBC đóng cửa trong sắc đỏ với mức 7.250 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của công ty trên thị trường đạt khoảng 2.517 tỷ đồng.
Cùng khoảng thời gian trên, HOSE cũng ra thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).
Lý do bởi doanh nghiệp này đã có 3 năm thua lỗ liên tục. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, 2022 và 2023 của HAGL Agrico, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt lỗ 1.119 tỷ đồng; 3.576 tỷ đồng và 1.098 tỷ đồng
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020; và căn cứ công văn số 4615/UBCK-PTTT ngày 24/7 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc xem xét hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu; HOSE thông báo cổ phiếu HNG rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc và cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, HAGL Agrico chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Gần nhất, trong quý 1, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu thuần giảm 26,3%, về mức 93,5 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 47 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 13 liên tiếp thua lỗ của HAGL Agrico. Tại thời điểm cuối quý 1/2024, HAGL Agrico đã lỗ lũy kế 8.149 tỷ đồng, dẫn đến việc vốn chủ sở hữu chỉ còn 2.487 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu HNG đóng cửa ở mức 4.660 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của công ty trên thị trường đạt khoảng 5.165 tỷ đồng.