Thừa phát lại đã có chỗ đứng trong đời sống xã hội

Việc thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL) là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế.

Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, TP Hà Nội đã thành lập 8 Văn phòng TPL tại 7 đơn vị hành chính gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy. Tính đến hết ngày 31-7-2020, 8 Văn phòng có 81 TPL đăng ký hành nghề.

Tính từ ngày 1-10-2019 đến ngày 31-7-2020, 8 Văn phòng TPL trên địa bàn TP đã tống đạt được 64.041 văn bản của tòa án, doanh thu 3.728,328 đồng. Đã lập 11.465 vi bằng, doanh thu 13.230.255 đồng. Trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự: Số vụ việc đã thụ lý là 3 vụ; giá trị thi hành án về tiền là 13.158.204 đồng.

Nhìn chung, việc thực hiện triển khai chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Đó là công tác phổ biến, tuyên truyền về chế định TPL đã được thực hiện thường xuyên và sâu rộng trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm bắt và hiểu về chế định này do đó dẫn đến việc phối hợp chưa tốt, gây khó khăn cho hoạt động TPL, đặc biệt trong công tác xác minh điều kiện thi hành án và tống đạt văn bản.

Thừa phát lại - công cụ pháp lý hiệu quả. Ảnh minh họa

Thừa phát lại - công cụ pháp lý hiệu quả. Ảnh minh họa

Chế định TPL mới được triển khai nên người dân và các tổ chức chưa sử dụng dịch vụ của TPL như một thói quen trong các quan hệ dân sự. Mặt khác, các tổ chức cá nhân còn chưa tin dùng đối với 2 loại dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án dân sự của TPL, do đó dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc triển khai chế định này cho các Văn phòng, đặc biệt là về tài chính.

Đội ngũ TPL, Thư ký nghiệp vụ TPL đang phát triển về số lượng, tuy nhiên do thời gian đào tạo ngắn hạn, với tính chất nghề mới nên nhiều người còn hạn chế về trình độ, nhận thức, năng lực, kinh nghiệm, do đó ảnh hưởng đến chất lượng của công việc.

Từ những hạn chế nêu trên có thể nhận thấy rõ những khó khăn trong hoạt động của TPL cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về TPL. Cụ thể như về việc lập vi bằng: Quy định của pháp luật về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng theo quy định hiện nay cũng đang là rào cản lớn cho hoạt động TPL trong việc lập vi bằng. Quy định về giá trị pháp lý của vi bằng còn chung chung “...; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”, dẫn đến việc người yêu cầu lập vi bằng có lúc không thể sử dụng được vi bằng đã lập trong các giao dịch.

Đối với việc tống đạt văn bản: Công tác phối hợp của một số địa phương chưa tốt, đặc biệt là UBND cấp xã dẫn đến những khó khăn trong việc tống đạt không thành phải niêm yết văn bản theo quy định của pháp luật. Nhiều cán bộ xã không chủ động phối hợp đối với Thư ký nghiệp vụ tống đạt văn bản khi đến xin xác nhận chữ ký tại UBND. Bên cạnh đó, việc cơ quan thi hành án dân sự dừng ký hợp đồng tống đạt do khó khăn về kinh phí, VKSND chưa triển khai việc ký hợp đồng tống đạt với Văn phòng TPL cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của TPL.

Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, việc thực hiện triển khai chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động TPL từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội nói chung cũng như trong hoạt động bổ trợ tư pháp nói riêng; từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.

Những kết quả đạt được của các Văn phòng TPL trên địa bàn Hà Nội đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật. Đặc biệt, hoạt động tống đạt của TPL lại giúp giảm tải công việc của cơ quan tòa án và cơ quan thi hánh án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thua-phat-lai-da-co-cho-dung-trong-doi-song-xa-hoi-209640.html