Thừa Thiên Huế: Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón đầu các nhà đầu tư lớn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, thời điểm này là cơ hội vàng để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, do đó cần phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để đón đầu các nhà đầu tư lớn.

7 khu công nghiệp “dọn sẵn” đón nhà đầu tư

Sáng ngày 27/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã chủ trì buổi làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan và các nhà đầu tư.

Khu KKT Chân Mây - Lăng Cô là khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế và của miền Trung.

Khu KKT Chân Mây - Lăng Cô là khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế và của miền Trung.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 3.050ha, diện tích đất CN cho thuê là 2.000ha, diện tích đất CN đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 326ha, diện tích đất CN chưa cho thuê theo quy hoạch là 1.660ha; diện tích đất CN chưa cho thuê mà đã đầu tư hạ tầng 235,7ha.

Ban Quản lý KKT, CN tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương, tất cả các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN phải đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch trong năm 2021; trường hợp đến hết năm 2021 nếu các KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung thì không xem xét, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp.

Còn đối với một số KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp, như: Khu tiểu thủ CN thuộc KCN La Sơn, KCN Phú Đa, Khu A - KCN Phong Điền, việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN rất khó khăn do diện tích đất còn lại ít, đầu tư không hiệu quả.

Đại diện Công ty Prime Thiên Phúc – Chủ đầu tư hạ tầng Khu B và Khu B mở rộng - KCN Phong Điền phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện Công ty Prime Thiên Phúc – Chủ đầu tư hạ tầng Khu B và Khu B mở rộng - KCN Phong Điền phát biểu tại buổi làm việc.

Vì vậy, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị xem xét, thống nhất chủ trương, đối với các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng, khi cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp đầu tư dự án sản xuất CN phải thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Tại buổi làm việc, đại diện các nhà đầu tư hạ tầng cũng đã báo cáo tổng quát về tình hình triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn các KKT, KCN tại tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời có một số đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công hạ tầng kỹ thuật.

Cơ hội vàng thu hút đầu tư

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá, từ đầu năm đến nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này là cơ hội vàng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển địa bàn đầu tư, chuyển hướng vào Việt Nam.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ (thứ 5 từ phải sang) kiểm tra công tác triển khai các dự án tại KKT Chân Mây - Lăng Cô.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ (thứ 5 từ phải sang) kiểm tra công tác triển khai các dự án tại KKT Chân Mây - Lăng Cô.

“Chúng ta phải nắm bắt, tận dụng cơ hội, nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ để có được những kết quả cao hơn trong thu hút đầu tư vào các KCN. Đây là trách nhiệm của Lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý KKT, CN tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và các nhà đầu tư hạ tầng”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, ông Thọ chỉ đạo Ban quản lý KKT, CN tỉnh và các ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các KKT, KCN để đón đầu các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên việc thu hút đầu tư cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều dự án mà đánh đổi môi trường hay thu hút những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…

“Phải hướng tới xây dựng các KCN tại Thừa Thiên Huế có giá trị gia tăng cao, là những KCN xanh, sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương chúng ta đang hướng đến là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Huế đang hút các nhà đầu tư lớn đầy tiềm năng.

Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Huế đang hút các nhà đầu tư lớn đầy tiềm năng.

Về tháo gỡ những tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các nhà đầu tư phải đăng ký nhu cầu sử dụng đất của mình với UBND các huyện, thị xã để địa phương có kế hoạch giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh cần phải giám sát việc đầu tư hạ tầng của các nhà đầu tư song song với việc cùng với chính quyền các huyện, thị xã thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, ông Thọ cũng đề nghị các nhà đầu tư cần huy động mọi nguồn lực, khẩn trương đầu tư hạ tầng đồng bộ; nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng mới tạo sức hấp dẫn của nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

“Bên cạnh một số nhiệm vụ thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước thì việc chậm trễ trong đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải có phần trách nhiệm của các nhà đầu tư hạ tầng. Đề nghị các nhà đầu tư hạ tầng phải tập trung đầu tư trạm xử lý nước thải nhằm tuân thủ các quy định và đảm bảo môi trường”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ.

Giao ban hằng tháng với các nhà đầu tư hạ tầng

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý Ban Quản lý KKT, CN tỉnh bên cạnh việc tập trung đầu tư vào KKT Chân Mây – Lăng Cô thì cần quan tâm hơn nữa đối với việc đầu tư hạ tầng tại các KCN do Ban đang quản lý.

“Hằng tháng, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh phải chủ trì giao ban với các nhà đầu tư hạ tầng, qua đó lắng nghe và kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc; những vấn đề gì cần thiết thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án”, ông Thọ yêu cầu.

Viên Hữu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/thua-thien-hue-chuan-bi-dieu-kien-tot-nhat-de-don-dau-cac-nha-dau-tu-lon/20200527074931879