Thừa Thiên Huế: Cú hích cho phát triển du lịch đầm phá Tam Giang

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt thí điểm 'Mô hình du lịch nông thôn (DLNT) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM)' tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), thực hiện từ năm 2023 là một cú hích cho phát triển du lịch đầm phá của Quảng Điền.

Trải nghiệm chèo thuyền SUP trên phá Tam Giang

Trải nghiệm chèo thuyền SUP trên phá Tam Giang

Tiềm năng

Điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi trước đây do Tổ du lịch cộng đồng quản lý. Năm 2020, UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo vận động thêm các thành viên tham gia thành lập HTX. Từ cuối năm 2021, HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi (sau đây gọi là HTX Du lịch) được hình thành, gồm 30 thành viên, với mục đích khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang.

Các thành viên trong HTX đã tự kết nối, tổ chức cho du khách các tour tham quan làng bích họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng đến chất lượng các hoạt động phục vụ khách du lịch, đảm bảo sự hài lòng của du khách khi tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm. Làng chài Ngư Mỹ Thạnh nổi lên là điểm sáng du lịch cộng đồng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Nằm cách trung tâm TP. Huế hơn 20km, Ngư Mỹ Thạnh mang vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, đậm nét yên tĩnh của một vùng quê thơ mộng.

Đến với Ngư Mỹ Thạnh, du khách có thể trải nghiệm, ngắm bình minh và hoàng hôn vô cùng thơ mộng. Ngoài ra, du khách có thể check-in hoàng hôn trên đầm phá Tam Giang được bao bọc bởi nhiều diện tích rừng ngập mặn, trải nghiệm khám phá tìm hiểu các loài thủy, hải sản, các loài chim trên đầm phá; trải nghiệm bủa lưới, thả lừ, đổ nò, bắt trìa, chèo thuyền SUP trên đầm phá; tìm hiểu đời sống của dân cư và hoạt động làng nghề và thưởng thức các loại đặc sản tươi ngon trong một không gian trong lành, lãng mạn. Qua đó, giúp du khách hiểu biết thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân Quảng Điền.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Ngư Mỹ Thạnh chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh khi vừa mới ra đời đã vấp phải đợt dịch COVID-19 hơn 2 năm. Đến nay, mặc dù được đầu tư để đón đầu làn sóng phục hồi nhưng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch ở đây vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

“HTX Du lịch mới được thành lập, số thành viên và vốn góp ít nên việc đầu tư phát triển du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thành viên của HTX chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, du lịch. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tính liên kết trong hoạt động du lịch chưa mạnh. Và quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn còn quá manh mún, nhỏ lẻ so với nhu cầu cần đầu tư vào để đưa điểm du lịch này trở thành điểm đến thương hiệu đẳng cấp quốc tế vẫn đang còn bỏ ngỏ” - Giám đốc HTX Du lịch Văn Hữu Sang nhìn nhận.

Du khách chèo thuyền giữa tán rừng ngập mặn xanh mát

Du khách chèo thuyền giữa tán rừng ngập mặn xanh mát

Thêm nguồn lực để phát triển

Tháng 3/2023, một tin vui đến với những người làm du lịch Ngư Mỹ Thạnh nói riêng và huyện Quảng Điền nói chung - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt thí điểm “Mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM)” tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, thực hiện từ năm 2023. Giai đoạn 2023-2025, tổng kinh phí thực hiện chương trình là 20,2 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước và huy động từ các nguồn lực xã hội hóa.

“Đây là một tin vui của chúng tôi. Thông qua dự án này giúp chúng tôi có thêm nguồn lực đẩy mạnh phát triển DLNT ở thôn Ngư Mỹ Thạnh gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững” - Giám đốc HTX Du lịch Văn Hữu Sang phấn khởi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Lê Ngọc Bảo, phát triển DLNT là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM.

“Để triển khai thực hiện thành công, có hiệu quả chương trình này cần thực hiện tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về DLNT gắn với xây dựng NTM. Có chính sách phù hợp thu hút các nhà đầu tư, các đơn vị trong ngành du lịch đầu tư phát triển DLNT ở Quảng Điền. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển DLNT. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển DLNT. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá các điểm du lịch, trong đó có các điểm DLNT đến du khách trong nước và quốc tế. Chú trọng, tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ và nhân viên một cách bài bản, đáp ứng nhu cầu cho phát triển DLNT” - Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Kết quả dự kiến và hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình: Tạo công ăn việc làm cho 100-150 lao động tại chỗ; doanh thu từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 10-15%/năm. Đồng thời, nâng cấp, đầu tư phát triển điểm DLNT gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao; các hoạt động văn hóa được bảo tồn và phát huy; cảnh quan, môi trường sinh thái được cải thiện; nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến...

Bài, ảnh: Thái Bình/ Báo Thừa Thiên Huế

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/thua-thien-hue-cu-hich-cho-phat-trien-du-lich-dam-pha-tam-giang-683527.html