Thừa Thiên Huế đạt nhiều thành tựu trong công tác chuyển đổi số
Thừa Thiên Huế phấn đấu đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia trên 3 trụ cột: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.
Không phải là địa phương mạnh tiềm lực ngân sách nhưng việc lựa chọn mô hình phù hợp xu thế phát triển, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước kiến tạo nên mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình, vì mục tiêu hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia trên 3 trụ cột: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.
Để làm được điều này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) của tỉnh. Đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý (GISHue), tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và ứng dụng công nghệ GIS. Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh (HueCIT) trở thành thành viên của Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đã công bố triển khai các nền tảng gồm: Hue-S đã được tích hợp và đang vận hành hơn 23 dịch vụ đô thị thông minh (phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin…).
Và các nền tảng ứng dụng khác như: Học bạ điện tử; hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng du lịch thông minh; thanh toán không dùng tiền mặt…Đưa vào khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến… giám sát, điều hành, chỉ huy các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước đầu tư các dự án phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo trên cơ sở xây dựng mối kết nối giữa chính quyền, Đại học Huế, Đại học Phú Xuân, các chuyên gia và doanh nghiệp.
Tạo ra sự đột phá trong phát triển công nghệ thông tin trên các lĩnh vực; ưu tiên các lĩnh vực có thế mạnh như y tế, AI (trí tuệ thông minh). Đồng thời, đã tăng cường hoàn thiên hệ thống văn bản, chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin tỉnh.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cơ bản hoàn thành xây dựng Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế; triển khai một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Không những thế, tỉnh Thừa Thiên Huế còn là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử được triển khai thực hiện kể từ năm 2019 ngay từ khi Chính phủ khởi động Đề án “chuyển đổi số Quốc gia”; chính sách hỗ trợ “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử cho hơn 500 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí kế toán cho 36 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh với tổng kinh phí 170 triệu đồng.
Về hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, chuyển đổi số: Tỉnh đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề về thương mại điện tử với sự tham gia của gần 300 lượt doanh nghiệp tham dự: Kỹ năng bán hàng online, Làm chủ CHAT GPT, “Thương mại điện tử về Tiếp thị Kỹ thuật số”, “Thương mại điện tử về Tiếp thị Kỹ thuật số”….
Cũng theo Phó chủ tịch Phan Quý Phương, trong thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới theo Nghị quyết 52/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh và Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 1/4/2020.
Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, Nghị quyết 3/2021/NQ-HĐND ngày 26/02/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định 767 /QĐ-UBND ngày 8/4/2021 của UBND tỉnh; Triển khai các hoạt động của Tổ công tác đặc biệt theo Quyết định 888/QĐ-UBND ngày 21/4/2023 của UBND tỉnh.