Thừa Thiên Huế: Hoàn thành kiểm kê hơn 200 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh

Năm 2019, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Thừa Thiên Huế đã được ngành văn hóa triển khai hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tiêu biểu.

Di tích Cố đô Huế/Sở VHTT Thừa Thiên Huế

Di tích Cố đô Huế/Sở VHTT Thừa Thiên Huế

Cụ thể, trong năm, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) đã hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng hồ sơ các dự án chống xuống cấp, tu bổ di tích trong toàn tỉnh, gồm: Bảo tồn Tháp đôi Liễu Cốc, đình làng An Truyền, đình Bàn Môn, đình Thủ Lễ, đình Cổ Lão, Nhà Đại chúng thuộc chiến khu Hòa Mỹ, di tích Cầu ngói Thanh Toàn, dự án tu bổ, tôn tạo 09 nhà rường và hạ tầng thuộc Làng cổ Phước Tích; Hoàn thành Kế hoạch kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở VHTT đã tham mưu, trình UBND tỉnh, Hội đồng xét duyệt hồ sơ cấp tỉnh xếp hạng 02 di tích cấp tỉnh và thống nhất thông qua 03 hồ sơ di tích cấp tỉnh; đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương. Thẩm định hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, hồ sơ thành lập bảo tàng ngoài công lập. Công tác kiểm kê, bảo quản được duy trì thường xuyên tại các bảo tàng. Công tác sưu tầm hiện vật được tích cực triển khai.

Công tác sưu tầm tài liệu, tổ chức khảo sát thực địa, đo vẽ, đánh giá tổng quan hiện trạng các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng được hoàn thành. Hiện nay, Sở VHTT đang tiến hành nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án tu bổ, tôn tạo và bảo quản các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được chú trọng triển khai hiệu quả. Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca Huế, Sở đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học; xây dựng kế hoạch, đề cương xây dựng Bộ hồ sơ "Nghệ thuật Ca Huế" trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật Ca Huế; xuất bản sách Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật Ca Huế. Tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng biểu diễn Ca Huế cho đội ngũ diễn viên, nhạc công, những người tham gia biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, hồ sơ "A Za Koonh - Lễ hội mừng lúa mới của người Pa Cô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Sở VHTT cũng tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II; Phối hợp triển khai thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn huyện A Lưới; Triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh, bổ sung, cập nhật số liệu di sản Bài chòi trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển câu lạc bộ Bài chòi tại các huyện phục vụ phát triển du lịch.

Việc thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản nhằm kịp thời bảo vệ và chống nguy cơ mai một hoặc mất đi vĩnh viễn các công trình, danh thắng có giá trị. Qua đó tạo cơ sở khoa học để chọn lọc, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển lâu dài của vùng đất Thừa Thiên Huế; tăng cường sự hiểu biết, ý thức tôn trọng, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa Huế.

Thanh Thủy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thua-thien-hue-hoan-thanh-kiem-ke-hon-200-di-tich-lich-su-van-hoa-va-danh-lam-thang-canh-20191226091533437.htm