Thừa Thiên - Huế nỗ lực duy trì top đầu trên xếp hạng PAPI
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn duy trì vị trí top đầu cả nước trong bảng xếp hạng đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Để duy trì 'phong độ' trong năm 2023, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch số 204 với những giải pháp thực hiện cụ thể...
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế xếp ở vị trí thứ 43 của cả nước về chỉ số PAPI, đến năm 2019 tỉnh này đã bứt phá vươn lên vị trí thứ 5. Năm 2020, Thừa Thiên - Huế xếp ở vị trí thứ 10, sáng năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế mức tăng 9 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng, với 48.059 điểm. Các chỉ số thành phần của tỉnh này năm đó đều nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc, trong đó chỉ số cung ứng dịch vụ công có số điểm cao nhất toàn quốc với 8.464 điểm.
Tháng 4 vừa qua, chỉ số PAPI năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 5 toàn quốc. Dù tụt 4 bậc so với năm 2021, nhưng tỉnh này đã đạt được điểm số rất đáng ghi nhận. Cụ thể, năm 2022, điểm tổng hợp chỉ số PAPI của Thừa Thiên Huế đạt 45.3845. 8 chỉ số thành phần của tỉnh đa số nằm trong nhóm cao của toàn quốc, đáng chú ý là chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Cung ứng dịch vụ công...
ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ TẠI CƠ SỞ
Để tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PAPI năm 2023, ngày 1/6 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch số 204 duy trì và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2023, nhằm tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao điểm số 8 nội dung đánh giá của PAPI, phấn đấu năm 2023 có điểm số cao hơn năm 2022. Thừa Thiên Huế với mục tiêu tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong nỗ lực nâng điểm Chỉ số PAPI.
Tại kế hoạch trên, các giải pháp được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu cụ thể, như với chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, UBND các xã, phường, thị trấn phải tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời các đơn vị này cần đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh.
Với chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho Sở Tư pháp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật theo kế hoạch đã được phê duyệt. Theo dõi, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, đa dạng hóa các hình thức công khai chính sách, pháp luật hiện hành để người dân có cơ hội tiếp cận các thông tin chính sách pháp luật.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình rà soát, xét duyệt và công khai các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết các chế độ chính sách xã hội theo đúng quy trình, thủ tục quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tăng cường chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, kịp thời các quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, khung giá đền bù thu hồi đất, các quy định, chính sách liên quan đến đền bù, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư...
Về chỉ số nội dung “Quản trị môi trường”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao các cấp chính quyền quan tâm hơn đến chất lượng nguồn nước và không khí để có những hành động kịp thời, trong đó cần huy động người dân tham gia cải thiện điều kiện môi trường sinh hoạt tại khu dân cư. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các hành vi không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí.
XỬ LÝ NGHIÊM CÁN BỘ NHŨNG NHIỄU, PHIỀN HÀ
Tiếp đến, để nâng cao chỉ số nội dung “Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chú trọng triển khai, bám sát theo Nghị định số 59 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ giải trình trong nội quy, quy chế làm việc, chỉ đạo, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình trước nhân dân.
Với chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh; đồng thời hướng dẫn Thanh tra cấp huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã thuộc thẩm quyền quản lý. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị phụ trách.
Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công khai, minh bạch về tuyển dụng công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước đảm bảo theo quy định pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo tuyển dụng được những người có năng lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Nâng cao chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số dịch vụ công trên địa bàn.
Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố tại trụ sở, trên Trang thông tin điện tử địa phương và tại nơi đông người. Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với với các trường hợp trễ hạn hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân, xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra tình trạng chậm trễ hồ sơ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp...
Để nâng cao chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Y tế chủ trì triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của ngành, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin ngành y tế nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về năng lực, kỹ năng giảng dạy và phẩm chất đạo đức.
Cuối là là với chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, đảm bảo cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử.
Bổ sung các tiện ích phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công tỉnh có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ kê khai hồ sơ cho cá nhân, tổ chức nộp trực tuyến được dễ dàng thuận lợi. Các sở, ban, ngành, UBND địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết và sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc khai thác tìm hiểu những chính sách, pháp luật của tỉnh, của các địa phương.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thua-thien-hue-no-luc-duy-tri-top-dau-tren-xep-hang-papi.htm