Thừa Thiên Huế phát triển các điểm du lịch sinh thái suối, thác
Thừa Thiên Huế được thiên nhiên ưu ái với địa hình đồi núi, biển, cảnh quan hài hòa, hệ thống sông suối dày đặc và thuận lợi cho việc phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả đặc thù thiên nhiên vốn có, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch Số 250/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác”.
Theo đó, việc thực thi đề án này sẽ phát huy những nét đặc trưng riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái tại các điểm suối, thác để đa dạng sản phẩm và tạo nên sự khác biệt, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch sinh thái (DLST), xây dựng du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về du lịch.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là đầu tư hạ tầng phát triển các điểm du lịch suối, thác. Trong đó sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường vào các điểm du lịch; đầu tư hệ thống, công trình xử lý nước thải tại các điểm du lịch sinh thái suối, thác; Đầu tư và nâng cấp bãi đổ xe du lịch, bến thuyền. Xây dựng nhà đón tiếp, trưng bày tại các điểm; Đầu tư, hỗ trợ nâng cấp nhà vệ sinh, các phòng thay đồ, phòng cứu hộ, cứu đuối, phòng y tế ở các điểm suối thác; Đầu tư bảng chỉ dẫn, thuyết minh du lịch tại các điểm DLST.
Bên cạnh đó Đề án cũng tập trung hỗ trợ xây dựng phát triển sản phẩm du lịch. Theo đó sẽ xây dựng 04 mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng tại các địa phương (Thác Kazan, Suối Khe Su, Điểm DLST thượng nguồn Ô Lâu, Suối Pâr Le)…
Ngoài ra, Đề án còn hỗ trợ công tác tập huấn, đào tạo như: hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, xử lý tình huống trong công tác cứu hộ, cứu đuối; bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng ngoại ngữ, quản lý điều hành và phục vụ khách du lịch. Nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến du lịch của cộng đồng địa phương làm du lịch tại các điểm. Mở lớp truyền nghề cho cộng đồng làm du lịch sinh thái tại các điểm.
Mục tiêu chung của Đề án nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào loại hình du lịch sinh thái tại các điểm suối thác; đồng thời, luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng trao đổi, thảo luận để giải quyết các kiến nghị, hiến kế của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến kinh doanh lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.
Cụ thể, đề án còn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Danh mục các Dự án, hoạt động ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối thác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 – 2030. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với khám phá đa dạng sinh học, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp lưu trú tại nhà dân. Phát huy tối đa sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng; do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác, hưởng lợi và sự hỗ trợ về chuyên môn của đơn vị tư vấn.