Thừa Thiên Huế: Tăng cường cung ứng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng

Tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu, kết nối với các kho hàng dự trữ, đẩy mạnh dịch vụ mua bán hàng hóa trực tuyến, bình ổn giá cả... là những giải pháp mà các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Thừa Thiên Huế thực hiện khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp.

Kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa tại Coop mart Huế

Kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa tại Coop mart Huế

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ngày 3/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công văn gửi Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, các Ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, siêu thị, ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, gây sốt giá.

Theo đó, yêu cầu Sở Công thương Thừa Thiên Huế tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, rà soát, đảm bảo cân đối hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, siêu thị, ban quả lý chợ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để cung cấp đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá.

Phối hợp các địa phương nắm thông tin để xác định những địa điểm có thể xảy ra biến động thị trường hàng hóa nhằm kịp thời điều tiết, phục vụ người dân. Đồng thời, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá… Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, lưu thông, cung ứng nhu cầu tiêu dùng. Tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu cách lý (nếu có). Đẩy mạnh các hình thức mua bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.

Các mặt hàng thiết yếu được các siêu thị bày bán đầy ắp trên các kệ hàng

Các mặt hàng thiết yếu được các siêu thị bày bán đầy ắp trên các kệ hàng

Các siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý chợ trên địa bàn xây dựng kế hoạch kết nối với các kho hàng dự trữ đầu mối để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng. Có kế hoạch điều tiết giá hàng hóa giữa các khu vực, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân…

Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như công tác cung ứng hàng hóa tại chợ Đông Ba, siêu thị Coop mart Huế, Big C Huế của UBND tỉnh, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại cho biết đã sẵn sàng các phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, trong đó tăng số lượng hàng dữ trữ lên 1,5 lần và thường xuyên nhập hàng, không lo thiếu hàng, hụt hàng và bình ổn giá.

Đại diện Big C Huế cho biết, từ khi dịch Covid-19 trở lại, đơn vị đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như mì tôm các loại 10.000 thùng, đồ hộp các loại 25.000 hộp, gạo các loại 15 tấn… và thường xuyên làm việc với các nhà cung cấp để cung ứng hàng cũng như về tần suất giao hàng mỗi ngày.

Bà Võ Thị Thu Thủy - Giám đốc Siêu thị Big C Huế - cho biết, sức mua hàng hóa những ngày qua có sự tăng nhẹ nhưng không ồ ạt như đợt bùng phát dịch lần trước. Khách hàng tập trung chủ yếu mua các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, các hàng nhu yếu phẩm khô và rau củ quả các loại. Sau hơn 4 tháng áp dụng chương trình bán hàng qua điện thoại, siêu thị Big C Huế nhận thấy doanh số bán hàng rất khả quan. Trong tháng 7/2020 ước đạt khoảng gần 1.000 đơn hàng, so với các tháng trước đó, tăng trưởng khoảng trên 200%. Lượng khách đặt hàng đang tăng lên nhanh chóng, giá trị đơn hàng bình quân tăng 80-120% so với các tuần trước đó.

Tại chợ Đông Ba, các mặt hàng thịt lợn, rau củ quả giá bình ổn, đa dạng nguồn hàng

Tại chợ Đông Ba, các mặt hàng thịt lợn, rau củ quả giá bình ổn, đa dạng nguồn hàng

“Chúng tôi đánh giá, dịch vụ này đem đến cho người dân sự tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Với đã tăng trưởng mạnh mẽ, hình thức đặt hàng qua điện thoại đang là xu hướng mua sắm mới, phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh Covid - 19, và sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng của khách kể cả sau mùa dịch. Những đơn hàng này chủ yếu là các nhóm mặt hàng thiết yếu như gạo, mì gói, dầu ăn, gia vị, nước giải khát, sữa hộp…”, bà Thủy cho biết thêm.

Phát biểu sau khi đi kiểm tra, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết của các đơn vị. "Hiện nay, dịch bệnh Covid - 19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tinh thần chung là không được lơ là và chủ quan, yêu cầu lãnh đạo các siêu thị và Ban quản lý chợ phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở mình quản lý, nhắc nhở cán bộ, nhân viên cùng chung tay phòng chống dịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban quản lý chợ Đông Ba thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở bà con nhân dân ra vào chợ thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-tang-cuong-cung-ung-hang-hoa-khong-de-xay-ra-tinh-trang-khan-hang-141660.html