Thừa Thiên Huế tăng cường xử lý buôn lậu, gian lận thương mại

Với sự chỉ đạo kịp thời, đồng bộ từ các cơ quan chức năng Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389) và sự chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã góp phần duy trì sự ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến giao thông từ đầu năm đến nay có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) khám xét nhà đối tượng Ngô Văn Trí và thu giữ hơn 2.200 bao thuốc lá nhập lậu.

Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) khám xét nhà đối tượng Ngô Văn Trí và thu giữ hơn 2.200 bao thuốc lá nhập lậu.

Đáng chú ý là các đối tượng kinh doanh hàng cấm, hàng lậu sử dụng các thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển, vận chuyển qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe môtô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ; hoạt động vào các giờ, ngày nghỉ, dịp lễ, Tết…

Điển hình, mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với CSGT Công an tỉnh dừng và khám xe ô tô BKS 50H-244.09 khi đang lưu thông trên QL1A qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Qua đấu tranh, Cục QLTT tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt số tiền 42,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Tương tự, qua khám xe ôtô mang BKS 43H - 011.40 lưu thông qua địa bàn Huế, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở các mặt hàng không rõ nguồn gốc như mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, máy tính cầm tay, bình đựng nước, hộp đựng giấy… Cơ quan chức năng đã tạm giữ lô hàng giá trị ước tính gần 1 tỷ đồng.

Cũng trên tuyến QL1A qua địa bàn Thừa Thiên Huế, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hơp với CSGT bắt giữ Nguyễn Thị Hằng (SN 1967, trú xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) về hành vi "buôn bán hàng cấm". Công an phát hiện Hằng đang cất giữ 2.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu nhãn hiệu JET do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ. Hằng khai nhận, số thuốc lá trên được mua gom từ Quảng Trị rồi thuê xe khách chở theo hướng QL1A đưa vào Thừa Thiên Huế để bán kiếm lời.

Theo ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp; việc niêm yết giá hàng hóa hoặc niêm yết giá không đúng quy định vẫn còn cao… Nổi cộm nhất là sai phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Mới đây, qua kiểm tra hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 6 vụ, xử lý 3 vụ, đang xử lý 3 vụ.

Đơn cử, qua kiểm tra cửa hàng Hồng Lợi Trí I thuộc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Hồng Lợi Trí tại địa chỉ 39 Phan Đăng Lưu, phường Đông Ba (TP Huế) phát hiện doanh nghiệp không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh và không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp này số tiền 55 triệu đồng…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT Thừa Thiên Huế đã kiểm tra 272 vụ (giảm 211 vụ so với cùng kỳ năm 2023); phát hiện, xử lý 213 vụ vi phạm (giảm 49%).

Bên cạnh Cục QLTT - lực lượng chủ công trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện hơn 90 vụ việc với gần 100 đối tượng kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan điều tra đã ra quyết định xử lý hình sự nhiều vụ với gần 15 bị cáo, xử phạt hành chính 70 việc/72 đối tượng với số tiền khoảng 1 tỷ đồng và tịch thu hàng hóa vi phạm với giá trị lớn. Đơn cử, ngày 2/8, Công an TP Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Trí (SN 1958, trú tại phường Thuận Hòa) và Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1957, trú tại xã Phú Mậu, TP Huế) liên quan đến hành vi mua bán hàng cấm là thuốc lá nhập lậu.

Trước đó, ngày 23/7, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ phát hiện Trí và Loan mua nhiều thuốc lá từ Quảng Trị đưa vào Huế để tiêu thụ. Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà Trí, Công an đã thu giữ 2.280 bao thuốc lá nhập lậu các loại như thuốc nhãn hiệu Zet, Hero, ESSE… Tiếp đó, khám xét khẩn cấp tại lô 70, 71 Lầu Chuông thuộc chợ Đông Ba do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ, Công an tiếp tục thu giữ 1.732 bao thuốc lá nhập lậu các loại.

Không chỉ đấu tranh mạnh với tội phạm mua bán hàng lậu, hàng cấm, Phòng Cảnh sát kinh tế kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi buôn lậu. Điển hình là vụ khởi tố hình sự, bắt tạm giam bị can Kang Myung Gyu (SN 1966, quốc tịch Hàn Quốc, trú phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) - là người đại diện pháp luật và Giám đốc công ty TNHH MTV Takson Huế. Đồng thời, khởi tố và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can gồm: Vũ Thị Nguyệt (SN 1988, trú xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc - là thông dịch viên của Kang Myung Gyu; Nguyễn Ngọc Hiệp (SN 1983, trú phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) nhân viên tại Công ty TNHH MTV Takson Huế. Các bị can bị khởi tố về hành vi "Buôn lậu".

Qua điều tra xác minh, Công an xác định, Công ty TNHH MTV Takson Huế đã mở tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu vải và các loại phụ liệu, mã loại hình nhập khẩu E21 (là loại nhập nguyên liệu, vật tư để gia công cho nước ngoài) để về gia công, sản xuất sau đó xuất trả lại hàng thành phẩm sang nước ngoài. Tuy nhiên, đối tượng Kang Myung Gyu với vai trò là Giám đốc Công ty đã bàn bạc với Nguyệt và Hiệp đem bán gần 18.000 sản phẩm quần áo (là thành phẩm được sản xuất từ các nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ nước ngoài) ra thị trường nội địa Việt Nam mà không khai báo với cơ quan Hải quan.

Để công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt kết quả cao trong những tháng còn lại của năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…; nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch 888 về chống hàng giả của Tổng cục QLTT; Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2390/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp…

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/thua-thien-hue-tang-cuong-xu-ly-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-i739557/