Thừa Thiên - Huế xây dựng đô thị thông minh

Tại các thành phố thông minh, trung tâm điều hành thông minh là 'bộ não' tổng hợp, chỉ huy, điều hành các hoạt động thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu và đưa ra hướng xử lý. Việt Nam đã có nhiều tỉnh, thành phố triển khai các đề án nhằm tìm hướng phát triển đô thị thông minh, bền vững phục vụ người dân và xã hội, trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát triển hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh đem lại hiệu quả bước đầu.

Kiểm tra thông tin từ các ứng dụng tại Trung tâm HueIOC.

Kiểm tra thông tin từ các ứng dụng tại Trung tâm HueIOC.

Chúng tôi đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh - HueIOC (Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế) để tìm hiểu mô hình vừa đoạt giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019. Mô hình được Viettel xây dựng với nhiều tùy chỉnh theo nhu cầu của từng địa phương, có thể tương thích, kết nối với các công cụ về chính quyền điện tử mà địa phương đã xây dựng từ trước.

Được biết, để điều hành HueIOC chỉ cần 14 người trong một phiên trực để giám sát các dịch vụ về đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế, như: an ninh trật tự, giao thông, môi trường, phòng, chống cháy nổ… Trước đây, công việc này cần hàng trăm nhân viên. Theo lãnh đạo HueIOC, hệ thống có chức năng giám sát các dịch vụ hành chính công, an toàn thông tin, cảnh báo tình hình thực hiện công việc của chính quyền…

Người dân được tham gia vào quá trình này bằng ứng dụng HueS để phản ánh những vấn đề bất cập trong cuộc sống. HueIOC sẽ tiếp nhận và chuyển đến đơn vị chức năng có thẩm quyền giải quyết trong thời gian sớm nhất. Thí dụ, trước đây, ở khu vực sông Hương, đoạn qua xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế là điểm nóng khai thác cát trái phép. Do lực lượng chức năng mỏng, không thể kiểm tra và có bằng chứng để xử lý khiến nạn cát tặc lộng hành. Nhưng từ khi HueIOC đi vào hoạt động, người dân đã chủ động gửi vi-đê-ô, hình ảnh về hoạt động khai thác cát trái phép lên hệ thống, qua đó lực lượng chức năng đã xử lý được nhiều trường hợp. Các hành vi khác như xả rác ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lề đường, “chặt chém” khách du lịch… cũng đã được người dân liên tục phản ánh lên HueS, để cơ quan chức năng xử lý.

Ngoài ra, tại Trung tâm HueIOC, có 10 ứng dụng đang triển khai với hàng trăm ca-mê-ra được lắp đặt khắp địa bàn tỉnh, liên tục truyền tải thông tin về với các chức năng riêng biệt: tự động nhận diện xe, biển số xe với các hành vi vi phạm giao thông, nhận diện khuôn mặt người dân để phục vụ công tác tìm người… Từ khi có HueIOC đã giảm tải công việc giám sát, tuần tra của lực lượng chức năng. Anh Nguyễn Đăng Tùng, một khách du lịch đến Huế đã rất ấn tượng khi được giới thiệu về các chức năng của HueS. Đó là việc người dân chỉ cần tải ứng dụng HueS về và đăng ký tài khoản là có thể sử dụng để phản ánh những vụ việc. Chúng tôi băn khoăn: Liệu có xảy ra trường hợp hệ thống không gửi đi phản ánh của người dân hoặc đơn vị nhận được thông tin không xử lý? Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Xuân Sơn khẳng định, không thể có chuyện thông tin bị “ỉm” đi hoặc đơn vị chức năng không xử lý vì tất cả đều được lưu trên hệ thống. Nếu đơn vị nhận được thông tin cố tình “lờ” đi hoặc chậm trễ trong giải quyết thì thông tin sẽ được gửi tới cấp cao hơn. Người dân có thể phản ánh bất cứ vấn đề gì, đối tượng nào qua HueS. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh đã lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của đô thị thông minh, hướng tới nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền, khả năng tương tác giữa người dân và chính quyền. Có thể nói, thông qua HueS, mỗi người dân như một cánh tay nối dài của chính quyền, giám sát mọi hoạt động trong xã hội, thậm chí giám sát cả chính quyền.

Các chuyên gia nhận định, để phát triển đô thị thông minh bền vững, cần có sự ủng hộ của người dân, có mô hình quản lý điều hành tốt và một hệ thống công nghệ tương thích giúp chính quyền và người dân tương tác với nhau. HueIOC góp phần tạo dựng niềm tin của người dân vào công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền địa phương khi các hoạt động đang trở nên minh bạch và các vấn đề người dân nêu ra đều có câu trả lời. Đó là bằng chứng cho chủ trương phát triển đô thị thông minh là đúng đắn. Từ thành công bước đầu, chính quyền có thể tiếp tục phát triển những giải pháp khác, những xu hướng mới nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Theo NDĐT

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc/cong-nghe/thua-thien-hue-xay-dung-do-thi-thong-minh-123594.html