'Thừa thợ, thiếu thầy': Nghịch lý ngành sản xuất thời AI

Phó hiệu trưởng Trường Điện – điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Việt Nam thiếu đội ngũ kỹ sư biết cách sử dụng dữ liệu trong ngành sản xuất.

Giải bài toán "thừa thợ, thiếu thầy"

Khi AI và robot ngày càng phổ biến trong nhà máy, nhiều người lo lắng công nhân sẽ mất việc. Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường Điện – điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, vấn đề lớn hơn không nằm ở tình trạng thừa công nhân mà ở khoảng trống ngày càng rộng trong đội ngũ kỹ sư đủ năng lực làm chủ hệ thống.

“Việt Nam hay nói thừa thầy thiếu thợ nhưng với tốc độ phát triển của AI và robotics, tôi tin chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng ngược lại là thừa thợ, thiếu thầy”, ông Minh nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường Điện – điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: SEEE

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường Điện – điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: SEEE

Các công nhân phổ thông có thể được thay thế bằng robot nhưng những người có khả năng phân tích, kết nối dữ liệu và ra quyết định trong toàn chuỗi sản xuất mới thực sự khan hiếm.

Vấn đề hiện nay, theo ông, là thiếu đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm, có hiểu biết sâu sắc về cách sử dụng dữ liệu trong môi trường sản xuất. Những kỹ sư này không nhất thiết phải giỏi thuật toán nhưng phải có tư duy AI-aware, nghĩa là biết sử dụng công cụ AI để phân tích, trực quan hóa dữ liệu, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với vận hành thực tế.

Ngay từ sớm, Trường Điện – điện tử đã đưa các học phần AI vào giảng dạy cho sinh viên các ngành điện, điện tử, tự động hóa. Mỗi năm, trường cung cấp khoảng 1.500 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 60% có khả năng ứng dụng AI vào phân tích dữ liệu kỹ thuật, 20% làm việc trực tiếp trong các dự án trí tuệ nhân tạo cho sản xuất và công nghệ thông tin.

Không dừng lại ở việc đưa AI vào giảng dạy, trường còn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên qua thực tiễn. Ngay từ năm ba, sinh viên đã được tham gia vào các dự án thật, đồng hành cùng giảng viên theo quy trình đầy đủ từ tiếp nhận bài toán, khảo sát hiện trường, thu thập dữ liệu, phát triển mô hình, thiết kế phần cứng và phần mềm, đến triển khai thử nghiệm.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Minh cho biết, một trong những cách tiếp cận hiệu quả là thông qua các cuộc thi công nghệ do doanh nghiệp tổ chức. Họ thường có bài toán thực, tổ chức thi để lấy giải pháp. Trường thường cử nhóm sinh viên và giảng viên cùng đi. Có doanh nghiệp còn chủ động tìm đến Đại học Bách khoa để đặt hàng.

Như trong trường hợp của Denso, sau khi thắng giải một cuộc thi do công ty tổ chức, nhóm nhóm nghiên cứu của trường Điện - điện tử đã ký hợp đồng triển khai giải pháp. Giải pháp đó hiện đang được Denso cân nhắc nhân rộng ra toàn bộ nhà máy tại Nhật.

Ngoài ra, trường còn thực hiện các dự án lớn khác như hợp tác với Samsung để phát hiện cuộc gọi Deepfake lừa đảo hay phát triển các mô hình AI đơn giản cho VNPT Technology trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng dây chuyền.

Đầu năm nay, ông Minh cùng nhóm nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng đã đạt quán quân cuộc thi thiết kế chip quốc tế do Efabless tổ chức và Google đồng tài trợ. Đây là chip dựa trên kiến trúc AI đầu tiên tại Đại học Bách khoa Hà Nội được nghiên cứu từ năm 2019, cũng là bước đệm để nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu và đưa sản phẩm vào thực tế.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh hướng dẫn sinh viên nhóm nghiên cứu

PGS.TS Nguyễn Đức Minh hướng dẫn sinh viên nhóm nghiên cứu

Cần minh bạch trong mối quan hệ 3 nhà

Từ thực tế triển khai các giải pháp thông minh cho nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, ông Minh cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp là vốn đầu tư. Các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là SME, không đủ năng lực tài chính để đầu tư dây chuyền hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng như các tập đoàn nước ngoài.

Nhưng chính điều đó lại mở ra cơ hội khác. Theo ông Minh, người Việt có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt, biết chọn lối đi “du kích công nghệ”. Chỉ với những mô hình AI đơn giản, tiết kiệm nhưng hiệu quả, đội ngũ của ông đã thuyết phục được cả những tập đoàn lớn như Denso hay Samsung.

Ngày nay, công nghệ AI đã bước vào giai đoạn được sử dụng rộng rãi, với sự hỗ trợ từ các nền tảng mã nguồn mở, mô hình miễn phí, dịch vụ tính toán theo nhu cầu và hỗ trợ từ các tập đoàn lớn.

Điều kiện để nắm bắt cơ hội đó, theo ông Minh, là cần một mối quan hệ thực chất và các bên cùng có lợi với giá trị cốt lõi cần đảm bảo là minh bạch giữa ba bên: doanh nghiệp, nhà trường và nhà nước. Doanh nghiệp cần minh bạch nhu cầu nhân lực. Nhà trường cần minh bạch kế hoạch đào tạo. Nhà nước cần minh bạch chính sách hỗ trợ.

"Chúng tôi ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp nhưng chỉ giữ mối quan hệ lâu dài với những doanh nghiệp thật sự nghiêm túc và có hành động cụ thể bởi chỉ khi đó, mối quan hệ mới mang lại giá trị bền vững”, Phó hiệu trưởng trường Điện - điện tử, Đại học Bách Khoa chia sẻ.

Chia sẻ trong hội thảo chuyên ngành thuộc triển lãm quốc tế NEPCON Vietnam 2025, ông Minh đặt nhiều kỳ vọng vào các nghị quyết 68 và 57, trong đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp đầu chuỗi, hỗ trợ startup và doanh nghiệp nhỏ, với mục tiêu không chỉ làm gia công mà trở thành doanh nghiệp đầu chuỗi giá trị toàn cầu.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thua-tho-thieu-thay-nghich-ly-nganh-san-xuat-thoi-ai-d41033.html