Thuận Châu phát triển cây ăn quả
Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Thuận Châu đã tuyên truyền, vận động nhân dân đưa cây ăn quả vào trồng ở những diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã cho thu hoạch đạt hiệu quả cao và đang được nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Thuận Châu đã tuyên truyền, vận động nhân dân đưa cây ăn quả vào trồng ở những diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã cho thu hoạch đạt hiệu quả cao và đang được nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Giọng nữ
Giọng nam
Giọng nữ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đến năm 2025 huyện có 4.600 ha cây ăn quả. Trong đó, 500 ha cây ăn quả được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương được cấp có thẩm quyền công nhận.
Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Huyện tăng cường tư vấn, hướng dẫn thành lập các HTX hoạt động lĩnh vực trồng cây ăn quả; tổ chức tập huấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc cây ăn quả. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cải tạo vườn tạp, định hướng cây trồng, dự báo thị trường để chủ động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc “được giá, mất mùa”. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lựa chọn, khảo nghiệm và đưa vào trồng một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo các loại cây trồng.
Đến nay, huyện có 4.289 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là xoài, thanh long, dứa…; sản lượng năm 2023 đạt trên 22.500 tấn quả. Trong đó, hơn 1.095 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương; 72 ha sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới ẩm; 26 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận sản xuất VietGAP; 10 mã số vùng trồng, trong đó, 2 mã vùng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Đu Bai, Nhật Bản; 8 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích 182 ha. Có 11 chuỗi liên kết sản xuất đã xây dựng; có 8 sản phẩm OCOP.
Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả, xã Chiềng Pha đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các đơn vị cung cấp cây giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông về các bản hướng dẫn các hộ dân phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả của các địa phương khác trong và ngoài huyện. Đến nay, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả và được nhân rộng.
Năm 2017, gia đình chị Hoàng Thị Thu, bản Hưng, xã Chiềng Pha, đầu tư gần 800 triệu đồng để cải tạo hơn 8.000 m² đất vườn và mua cây giống bưởi da xanh về trồng. Đến nay, gia đình chị có 1,4 ha cây ăn quả các loại, như: Bưởi, cam, na. Năm vừa qua, doanh thu từ bán bưởi được trên 400 triệu đồng. Chị Thu chia sẻ: Ngoài được cán bộ khuyến nông giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây bưởi, tôi thường xuyên tìm hiểu trên sách, báo, internet, học hỏi một số mô hình trồng bưởi để áp dụng vào sản xuất. Gia đình tôi còn đầu tư hơn 30 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới ẩm tiết kiệm nước và hạn chế dùng phân vô cơ, chủ yếu ủ phân vi sinh từ bèo tây, vỏ cà phê, phân ủ cá, đậu tương để bón cho cây... Nhờ có hệ thống tưới nước nhỏ giọt mà đợt nắng hạn này, cây trồng không bị ảnh hưởng, sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhiều nông dân ở xã Bon Phặng đã thay thế cây sắn trên triền đồi bằng cây ăn quả, như: Na, cam, thanh long, nhãn... áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương; nhiều diện tích được bón phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Nguyễn Thị Tú, bản Nam Tiến. Năm 2017, gia đình bà đã chuyển từ trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây vú sữa Hoàng Kim, mít, nhãn chín sớm, thanh long ruột đỏ, na Hoàng hậu… theo quy trình VietGAP và hữu cơ. Bà Tú cho biết: Tất cả diện tích cây trồng của gia đình đều sử dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt và sử dụng phân bón hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Sản lượng đạt hơn 60 tấn quả các loại/năm, trừ chi phí lãi trên 700 triệu đồng.
Theo ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, một số diện tích cây trồng bị hạn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn biện pháp chăm sóc và phòng chống hạn cho một số loại cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày, như: Cung cấp nước tưới cho cây vào giai đoạn chuẩn bị phân nhánh mầm hoa, quả non đối với các khu vực có nguồn và hệ thống tưới. Tùy theo loại cây, độ tuổi, hiện trạng sinh trưởng của cây, sản lượng cho thu hoạch năm trước để xác định loại phân, liều lượng phân bón cho cân đối, phù hợp.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, với tình trạng nắng nóng, hạn hán như hiện nay, nông dân cần chủ động tích nước và tận dụng các nguồn nước tự nhiên để bơm, tưới cho cây trồng. Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước tránh việc thất thoát nước. Tạo bóng mát cho vườn ươm giống bằng tấm lưới che có màu tối hạn chế lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào cây, tưới nước vào chiều mát hoặc sáng sớm. Tạm dừng trồng mới cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày trong những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài. Tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của cây và sử dụng đúng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng loại bệnh và nằm trong danh mục cho phép.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/thuan-chau-phat-trien-cay-an-qua-enW5rNaIR.html