Thuận Châu sẵn sàng sản xuất vụ xuân
Vụ lúa xuân năm nay, huyện Thuận Châu phấn đấu cấy 1.850 ha, cơ cấu giống lúa chủ yếu là nếp 87, nếp 89 và nếp địa phương. Đảm bảo khung thời vụ, ngay sau Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân toàn huyện đã khẩn trương xuống đồng làm đất, cấy lúa.
Về Thuận Châu thời điểm này, dọc quốc lộ 6, trên những cánh đồng của các xã: Chiềng Pấc, Tông Lạnh, Thôm Mòn, Phổng Lăng... nông dân đã hối hả xuống đồng.
Ông Lò Văn Thiên, bản Mòn, xã Thôn Mòn, chia sẻ: Những ngày này, cánh đồng ở bản Mòn luôn có 5 máy cày, máy bừa làm đất sản xuất vụ xuân. Trước đây, chưa có máy móc, trâu bò cày bừa đất mất nhiều thời gian. Bây giờ, có máy móc nên giảm nhiều công lao động và thời gian làm đất. Nhờ sử dụng máy móc, chỉ trong buổi sáng là gia đình tôi cày xong 5.000m2 ruộng. Ngoài ra, tôi còn cày thuê cho bà con có nhu cầu.
Còn chị Lò Thị Chiêu, cũng ở bản Mòn, cho biết: Trước tết, gia đình đã chủ động làm đất và gieo mạ giống. Hôm nay, gia đình nhổ mạ để cấy. Để đảm bảo tiến độ, gia đình tôi sẽ đổi công cho các hộ khác, dự kiến chỉ 2 ngày là cấy xong 1.200m2 ruộng.
Tại xã Tông Lạnh, không khí lao động trên đồng ruộng cũng khá nhộn nhịp. Nhiều năm nay, bà con sử dụng những chiếc máy cày mini để cày. Xã có 13 bản, trong đó, 11 bản có diện tích lúa nước, với 120 ha. Năm nay, lượng mưa ít nên xã vận động nhân dân làm thủy lợi, khẩn trương làm đất, chuẩn bị phân bón lót, lựa chọn giống mới năng suất, chất lượng và có khả năng chống chịu sâu bệnh để đưa vào sản xuất.
Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, cho biết: Chủ động nguồn nước cho sản xuất, ngay trong tháng 12/2023, xã đã ra quân khơi thông 12 km mương phai; mở mới 200 m tuyến thủy lợi bản Pằn Nà - Thẳm. Nguồn nước đảm bảo, nên trong tháng 1 nông dân đã hoàn thành việc gieo mạ, cơ cấu giống chủ yếu là nếp 87, 89. Đến nay, 90% diện tích đất đã được cày bừa xong và bà con bắt đầu đưa mạ xuống cấy. Xã phấn đấu đến ngày 10/3 sẽ hoàn thành cấy lúa xuân.
Đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ, đổ ải và gieo cấy. Tuyên truyền, vận động nông dân chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất... Đồng thời, các xã chủ động xây dựng kế hoạch và lịch gieo trồng cụ thể phù hợp với từng vùng sản xuất trên địa bàn. Cùng với đó, Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La đã tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống các công trình bị hư hỏng do thiên tai để tiến hành sửa chữa, đảm bảo nước phục vụ sản xuất.
Từ đầu tháng 1 đến nay, các đại lý, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện đã cung ứng hơn 100 tấn thóc giống, phân bón các loại. Anh Hoàng Khánh Ngọc, Giám đốc Chi nhánh vật tư nông nghiệp Thuận Châu, thông tin: Công ty đã lựa chọn các đơn vị uy tín, nguồn cung cấp dồi dào để nhập các sản phẩm về phục vụ sản xuất của bà con. Quá trình bán sản phẩm, chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho hay: Chúng tôi khuyến cáo bà con năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nên trong quá trình sản xuất cần chú ý áp dụng các biện pháp gieo mạ nền, mạ khay... có che phủ nilon trong các ngày rét đậm, rét hại. Vào những ngày nhiệt độ dưới 150C dừng gieo, cấy lúa; chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy. Trong điều kiện thuận lợi, nông dân cần cấy đúng lịch, tránh trường hợp cấy lúa quá sớm hoặc quá muộn dẫn đến giảm năng suất, chất lượng. Đối với các chân ruộng không chủ động nước tưới, tùy điều kiện cụ thể chủ động chuyển sang cây trồng khác, như ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại.
Đến nay, nông dân huyện Thuận Châu cấy được hơn 200 ha lúa; diện tích còn lại phấn đấu hoàn thành vào ngày 15/3. Cùng với cấy lúa xuân, bà con trong huyện còn tập trung trồng, chăm sóc cây màu vụ xuân, quyết tâm hoàn thành thắng lợi sản xuất vụ năm 2024.