Thuận Hòa giữ rừng dựa vào cộng đồng dân cư

BHG - Những năm gần đây, nhờ những chủ trương, chính sách của tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những cánh rừng ở xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) do cộng đồng dân cư quản lý ngày một xanh tốt. Nguồn lợi từ rừng đã giúp cho nhiều người dân có cuộc sống ấm no, tạo nguồn nước sạch để phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái lòng hồ tại địa phương.

Xã Thuận Hòa thuộc phía Bắc của huyện Vị Xuyên, đây là một trong những địa bàn có diện tích rừng lớn đạt hơn 6.000 ha, bao gồm 3 loại rừng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Người dân đang được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng theo tiểu dự án 1, thuộc dự án 3 của chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, 15/15 thôn được thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Năm 2023, diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR của xã là hơn 1.842 ha, với số tiền đã giải ngân trên 330 triệu đồng. Trong đó, chi khoán bảo vệ rừng cho các thôn là 242 triệu đồng và chi cho Ban quản lý cấp xã là 88 triệu đồng.

Diện tích trồng cây mỡ của gia đình anh Cháng Chẩn Miền, thôn Lũng Pù.

Diện tích trồng cây mỡ của gia đình anh Cháng Chẩn Miền, thôn Lũng Pù.

Đồng chí Nguyễn Thị Chiêm, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: “Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, diện tích rừng của xã được bảo vệ tốt hơn. Qua công tác tuyên truyền của lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn và các hội, đoàn thể, ý thức giữ rừng của bà con nâng lên rõ rệt. Ngoài số tiền chi trả cho cộng đồng dân cư, nhiều hộ cũng được nhận tiền chi trả DVMTR. Nhờ nguồn kinh phí này, bà con mua sắm thêm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt, mua cây giống, phân bón để sản xuất nông nghiệp. Do đó, các gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng gỗ lớn, mở hướng sinh kế thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng”.

Thôn Lũng Pù có 113 hộ, 100% là bà con đồng bào dân tộc Dao, Mông. Năm vừa qua, với diện tích nhận khoán bảo vệ rừng là 209 ha, cộng đồng thôn được chi trả 34,5 triệu đồng tiền DVMTR. Ngoài việc trả công tuần rừng cho các thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng, số tiền còn lại thôn đã đóng góp để sửa chữa nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn. Anh Cháng Chẩn Miền, người dân trong thôn chia sẻ: “Gia đình tôi nhận khoán bảo vệ rừng 7 ha và trồng 5 ha rừng keo, sa mộc, mỡ. Số tiền DVMTR nhận được mỗi năm đã giúp vợ chồng tôi trang trải cuộc sống, đầu tư cho con cái đi học. Bây giờ, bà con hiểu được giá trị của rừng nên rất có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ rừng”.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên kiểm tra rừng tại xã Thuận Hòa.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên kiểm tra rừng tại xã Thuận Hòa.

Cùng với phong trào trồng rừng, hiện nay, các thôn, bản của xã đều thành lập các tổ tuần tra, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ có khoảng 10 thành viên, chia thành các nhóm luân phiên đi tuần rừng. Thôn cũng xây dựng quy ước, hương ước quản lý, bảo vệ rừng cho từng cá nhân, hộ gia đình ký cam kết, nghiêm cấm hành vi chặt phá rừng, ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Cách làm này đã phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Rừng xanh, nước sạch, người dân Thuận Hòa không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng trở thành chủ lực, mà còn giữ rừng để có nguồn nước nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch trong lòng hồ Thủy điện sông Miện 5, mang lại thu nhập và cuộc sống đủ đầy hơn cho cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202404/thuan-hoa-giu-rung-dua-vao-cong-dong-dan-cu-132029a/