Thuận lợi và tiết kiệm

Được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Y tế vừa có tờ trình Quốc hội dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, Bộ Y tế đề xuất bỏ giấy chuyển viện đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Đây là một trong những điểm mới bổ sung nhận được sự đồng thuận cao của dư luận, cộng đồng mạng và cử tri trong cả nước.

Theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 14/2014/TT-BYT, người bệnh muốn chuyển viện lên tuyến trên hay cùng tuyến phải có giấy chuyển viện do bệnh viện nơi người bệnh đang điều trị cấp. Thế nhưng, việc xin giấy chuyển viện cho người bệnh mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Không những thế, để được chuyển viện thì bắt buộc người bệnh phải trực tiếp có mặt. Đối với những người chẳng may mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc sống một mình phải tự đi lại giữa các tỉnh để làm giấy chuyển viện thì rất khó khăn.

Vì vậy, nội dung đề xuất nêu trên được coi là giải pháp tháo gỡ nút thắt cho người dân bấy lâu nay, giải quyết bài toán giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho cả người dân và cơ quan bảo hiểm. Hơn nữa, các cấp, ngành và địa phương đang đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số, mã hóa dữ liệu hồ sơ của bệnh nhân. Từ đó, thông qua hồ sơ điện tử để đơn giản thủ tục tạo sự tiện lợi cho người bệnh. Điều này còn tạo sự liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng chỉ nên bỏ thủ tục chuyển viện ở cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn ở cấp chuyên sâu vẫn cần có giấy chuyển viện. Vì giấy chuyển viện có vai trò tóm tắt bệnh án, từ đó bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể đọc được các triệu chứng, biểu hiện ban đầu cũng như diễn tiến bệnh và quá trình điều trị ban đầu của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, việc bỏ giấy chuyển viện cũng sẽ tác động nhiều đến cơ sở y tế tuyến cuối. Vì vậy, Bộ Y tế cần có quy định chi tiết, cụ thể những bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., mức độ ra sao sẽ được vượt tuyến. Nếu không có quy định chi tiết có thể sẽ gây quá tải cho bệnh viện tuyến cuối và còn khiến cơ sở y tế tuyến dưới khó phát triển các kỹ thuật chuyên môn. Cùng với đó, đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần kỹ thuật chuyên môn cao, kỹ thuật mới mà cấp chuyên môn kỹ thuật tuyến dưới chưa có khả năng làm được ngay trong thời điểm nhất định thì Bộ Y tế phải sớm có danh mục rõ ràng. Nếu không người bệnh tự đi khám, chữa bệnh ở tuyến trên sẽ gây quá tải. Và như vậy cả bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì chính những người bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo sẽ bị ảnh hưởng vì điều trị không kịp thời do quá tải.

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, dư luận cho rằng, các ngành chức năng cần thống nhất dữ liệu điện tử một cách đồng bộ để giấy chuyển viện, giấy hẹn tái khám được tích hợp trên VNeID. Tức là chuyển dữ liệu từ cơ sở khám, chữa bệnh lên dữ liệu chung. Như vậy, người dân khi chuyển tuyến, tái khám có thể xuất trình các giấy tờ này trên VNeID. Và vấn đề cốt lõi là các bệnh viện cấp cơ bản và chuyên sâu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nâng cao năng lực chuyên môn, tăng hiệu quả điều trị nhằm tránh quá tải cho những bệnh viện chuyên sâu tại các thành phố lớn.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/165777/thuan-loi-va-tiet-kiem