'Thuận thiên' để ứng phó

Các giải pháp đối với ĐBSCL đều phải tiếp cận theo hướng thuận thiên, coi tài nguyên nước là yếu tố quyết định sự sống còn của toàn vùng

Trong khuôn khổ hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), sáng 18-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên thảo luận về quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định: "Diễn biến của BĐKH đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản đã dự báo. Điều đáng báo động là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở hầu hết các tỉnh, đe dọa đến sự ổn định của đồng bằng và đời sống người dân". Theo ông Hà, các giải pháp đối với ĐBSCL đều phải tiếp cận theo hướng "thuận thiên", coi tài nguyên nước là yếu tố quyết định sự sống còn của vùng đồng bằng.

Nói rõ về thực trạng này, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN-MT, cho biết đến năm 2018, ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Trong đó, có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tình trạng này không chỉ diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, từ các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh rạch, với mức độ ngày càng nhiều. Điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14 km.

Ông Bẩy dẫn chứng kết quả phối hợp nghiên cứu vào năm 2012 của Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, cho thấy trong 20 năm qua, tỉnh Cà Mau đã mất đất do sụt lún hoặc bờ biển bị lùi vào từ 100 m đến 1,4 km. Kết quả này cũng đánh giá sơ bộ sụt lún ở Cà Mau có thể đã lên đến 30 - 70 cm ở nhiều nơi. Tổng thể chung toàn vùng, ở những vùng có mật độ khai thác nước ngầm càng cao thì lún càng nhiều. Cụ thể, vùng lún cao nhất (trên 10 cm) thường có mật độ khai thác nước ngầm lớn nhất (111 m3/ngày/km2).

Từ thực tế sụt lún, ông Bẩy cho rằng một trong những nguyên nhân là do khai thác nước dưới đất quá mức ở vùng ĐBSCL, kể cả TP HCM. Do đó, ông đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nước, nhất là khai thác nước dưới đất. Ngoài ra, cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.

Trong khi đó, GS Nguyễn Kim Đan (Đại học Paris-Est - Pháp) cho rằng cần tìm giải pháp tổng thể nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do thay đổi nguồn nước và suy giảm bùn cát ở ĐBSCL. Ưu tiên các giải pháp dựa theo tự nhiên, phù hợp với tự nhiên và bảo vệ môi trường. Các giải pháp phải bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sinh sống của người dân trong vùng.

Cần 95.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông ĐBSCL

Tại diễn đàn chuyên đề "Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL" vào sáng cùng ngày, ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, nhấn mạnh để tập trung cho 32 công trình trọng điểm dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2021-2025, sẽ cần nguồn vốn 95.000 tỉ đồng.

Các dự án cần đầu tư, hoàn thiện trong giai đoạn này gồm: đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2... Về phía TP HCM, ông Mười đề nghị sớm đầu tư hoàn thành dự án mở rộng Quốc lộ 50B, đường vành đai 3 và 4 nhằm tăng tính kết nối giữa ĐBSCL với TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

PHAN ANH - GIA MINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thuan-thien-de-ung-pho-20190618235645414.htm