Thuật toán vô cảm với shipper Trung Quốc
Nhiều shipper bất chấp nguy hiểm, bỏ qua hầu hết quy tắc an toàn khi tham gia giao thông, chẳng hạn như vượt đèn đỏ hoặc lái xe ngược chiều, để giao hàng đúng thời gian quy định.
Zing trích dịch bài đăng trên Global Times nói về cái chết của shipper và hậu quả từ sự phát triển chóng mặt nhưng thiếu đổi mới công nghệ của các nền tảng giao hàng ở Trung Quốc.
Một shipper họ Han 43 tuổi đã chết vào ngày 21/12 khi đang giao đồ ăn. Ngày 6/1, đại diện nền tảng giao hàng Ele.me nói với gia đình Han rằng anh ta không có mối liên hệ nào với nền tảng, nhưng phía Ele.me "sẵn sàng chu cấp 2.000 nhân dân tệ (309,5 USD) cho gia đình Han vì lòng trắc ẩn".
Shipper này đã làm việc cho Fengniao, một thương hiệu phụ của Ele.me. Tuy nhiên trong thỏa thuận lao động của mình, Ele.me lưu ý rằng những người đăng ký làm việc như Han không có bất kỳ hình thức quan hệ lao động nào với công ty.
Trong bối cảnh trường hợp một nữ nhân viên 23 tuổi của Pinduoduo đột tử gây xôn xao, cái chết của shipper 43 tuổi tiếp tục khiến công chúng phải đặt câu hỏi về quyền và lợi ích của người lao động trong lĩnh vực công nghệ.
Theo các nhà phân tích, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, điều kiện làm việc của nhân viên tuyến đầu đã trở thành vấn đề đáng báo động, cùng với xu hướng phát triển không bền vững của ngành công nghệ ở đất nước tỷ dân.
Thuật toán giết chết shipper
Trước cái chết của shipper 43 tuổi, các dịch vụ giao đồ ăn Trung Quốc như Meituan và Ele.me đang phải đối mặt với sự chỉ trích của dư luận rằng thuật toán mà những nền tảng này sử dụng gây áp lực quá lớn về thời gian cho các tài xế, dẫn đến tai nạn gây tử vong.
Một bài báo của tạp chí Trung Quốc People mô tả sự cạnh tranh khiến các công ty này thắt chặt thời gian phân phối. Kết quả là, nhiều shipper phải bỏ qua hầu hết quy tắc an toàn khi tham gia giao thông, chẳng hạn như vượt đèn đỏ hoặc lái xe ngược chiều, để giao hàng đúng thời gian quy định.
Bài báo cũng tiết lộ "sự thật đẫm máu" và chỉ trích các công ty "để người giao hàng bị mắc kẹt trong thuật toán vô cảm".
Tại Thượng Hải, trung bình cứ 2,5 ngày lại có một shipper tử vong, theo số liệu thống kê của cảnh sát địa phương. Bởi vì các tài xế được đánh giá dựa trên thành tích đúng giờ của họ, một số người vẫn tiếp tục cố gắng hoàn thành việc giao hàng ngay cả khi đã gặp tai nạn.
Các nền tảng giao nhận đang bị buộc phải giải thích cách thuật toán của họ xác định thời gian giao hàng tiêu chuẩn, cũng như cách họ xác định tuyến đường cho shipper và liệu đã tính đến điều kiện giao thông và thời tiết hay chưa.
Ele.me, một trong những nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, cho biết trên WeChat rằng họ sẽ bổ sung tính năng kéo dài 5 phút - một tùy chọn cho phép khách hàng thông báo rằng họ sẵn sàng đợi đồ ăn lâu hơn một chút. Công ty cũng cho biết sẽ không phạt những tài xế có xếp hạng cao thỉnh thoảng đến muộn.
Tuy nhiên, theo People, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các nền tảng giao hàng thậm chí còn rút ngắn thời gian di chuyển của tài xế.
Năm 2016, thời gian giao hàng giới hạn trong vòng 3 km là 60 phút. Nhưng con số này giảm xuống còn 38 phút vào năm 2018 và giảm thêm 10 phút nữa vào năm 2019.
“Căn bệnh” của kinh tế nền tảng
"Những trường hợp tử vong đáng tiếc gần đây đã cho thấy một ‘căn bệnh’ của nền kinh tế nền tảng. Hình thức dịch vụ này đã gặp rắc rối trong 2-3 năm qua do việc phải liên kết với các nền tảng bên ngoài”, Fang Chaoqiang, luật sư tại Công ty Luật Yingke ở Bắc Kinh, nói với Global Times.
Thay vì đầu tư vào công nghệ cơ bản, một số công ty công nghệ nói chung và nền tảng giao thức ăn nói riêng ở Trung Quốc lại muốn thành công nhanh chóng và thu được lợi nhuận tức thì bằng cách bóc lột nhân công.
"Giống như bất kỳ ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng nào khác, nó có bản chất là chạy theo lợi nhuận, ở một mức độ nào đó dẫn đến việc lạm dụng quyền riêng tư và cạnh tranh không lành mạnh", Zhang Yi, Giám đốc điều hành của nhóm nghiên cứu iiMedia có trụ sở tại Thâm Quyến, giải thích.
Trong khi đó, Wang Peng, trợ lý giáo sư tại Trường Trí tuệ Nhân tạo Gaoling thuộc Đại học Renmin, Trung Quốc, nhận định những cái chết đáng buồn của nhân viên Ele.me và Pinduoduo cho thấy một số công ty Internet đang thoái trào. Ngành công nghiệp đáng ra phải dựa vào công nghệ, nhưng lại đang tự giết chết mình khi lạm dụng lao động.
Ông Peng cũng lưu ý rằng môi trường quản lý và luật pháp của Trung Quốc nên bắt kịp với sự phát triển chóng mặt của Internet.
“Kể từ năm 2019, môi trường pháp lý đã thay đổi rất nhiều. Các công ty tốt có thể thích ứng với những thay đổi này và đó là một quá trình phân loại, đào thải hợp lý”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuat-toan-vo-cam-giet-chet-shipper-trung-quoc-post1171779.html