Thức ăn gây hại nhất cho thận
Thực phẩm chứa nhiều muối làm tăng huyết áp, mắc bệnh tiểu đường là hai yếu tố nguy cơ dẫn tới bất ổn ở thận.
Thận chịu trách nhiệm điều chỉnh cân bằng dịch trong cơ thể, giúp đủ nước để bạn hoạt động đồng thời loại bỏ lượng nước dư thừa qua đường tiểu tiện. Thận cũng sản xuất hormone giúp điều hòa canxi và các tế bào hồng cầu.
Thức ăn gây hại nhất cho thận
Những gì chúng ta ăn uống đều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Theo Parade, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng gây hại nhất cho thận là thực phẩm chứa nhiều muối, chẳng hạn như khoai tây chiên, pizza, thịt nguội, thịt đã qua xử lý, đông lạnh.
Tiến sĩ Emily Chang, Trường Y Đại học Chapel Hill (Mỹ), giải thích hai yếu tố lớn nhất gây ra bệnh thận là tiểu đường và huyết áp cao. Chế độ ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc cả hai bệnh này. Theo quan điểm của Tiến sĩ Chang, những người mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp có nguy cơ bị bệnh thận cao hơn 50%.
Tiến sĩ Chang giải thích: “Ăn thực phẩm chứa nhiều muối làm tăng huyết áp. Áp lực lên mạch máu dẫn đến áp lực ở thận do thận có nhiều mạch máu”.
Tiến sĩ người Mỹ Cynthia Silva, bác sĩ chuyên khoa thận, cũng đồng ý rằng thực phẩm mặn, chế biến sẵn có hại cho thận nhất: “Thực phẩm đã qua chế biến chứa một lượng lớn chất bảo quản như muối, đường và chất béo, giúp kéo dài thời hạn sử dụng và ngon hơn. Điều này làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn như ít chất xơ hơn, đồng thời làm tăng lượng calo. Thận chịu áp lực lớn để lọc những chất bảo quản dư thừa trong khi vẫn phải duy trì các hoạt động hằng ngày”.
Nếu muốn cắt giảm lượng muối ăn vào, Tiến sĩ Chedid khuyên bạn nên nấu ăn ở nhà và sử dụng các loại thảo mộc để tăng hương vị như tỏi, húng quế, hương thảo và bạc hà. Không giống như muối, thảo mộc có lợi cho cơ thể vì chứa nhiều chất chống oxy hóa, ngăn ngừa hoặc giảm chứng viêm mạn tính.
Thói quen ăn uống tốt cho thận
Những thực phẩm tốt nhất cho thận cũng có lợi cho phần còn lại của cơ thể. Tiến sĩ Silva cho biết điều quan trọng là phải có một chế độ ăn uống cân bằng (ưu tiên rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein thực vật) và duy trì chế độ ăn uống cung cấp đủ nước.
Tiến sĩ Alice Chedid, bác sĩ chuyên khoa thận, thông tin, mọi người cần kiểm soát lượng đường trong máu - đặc biệt nếu họ mắc bệnh tiểu đường. “Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận mạn tính. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh không nhiều đường sẽ giảm nguy cơ suy thận. Điều quan trọng là phải giữ đủ nước, đặc biệt là trong thời tiết mùa hè nóng nực để nước tiểu không đậm đặc. Tình trạng đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận”, Tiến sĩ Chedid nói.
Nếu gặp vấn đề về thận, bạn có thể phải thay đổi chế độ ăn uống dựa trên khuyến nghị của bác sĩ. Tiến sĩ Silva nói: “Những người mắc bệnh thận cần kiểm soát lượng protein, natri, kali, phốt pho và canxi”. Ăn thực phẩm giàu protein sẽ khiến thận làm việc vất vả hơn và khiến bệnh nặng hơn theo thời gian.