Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Tại Việt Nam, bình đẳng giới (BĐG) và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. Tích cực thúc đẩy bình đẳng giới sẽ nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Phần lớn việc làm của phụ nữ DTTS là làm trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập thấp. Ảnh: Nguyên Thanh

Phần lớn việc làm của phụ nữ DTTS là làm trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập thấp. Ảnh: Nguyên Thanh

Thực trạng yếu thế của phụ nữ DTTS

Những năm qua, vấn đề phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Nói đến bình đẳng giới, về cơ bản là nói đến sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, BĐG vùng DTTS đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: bình đẳng trong lĩnh vực chính trị, bình đẳng về kinh tế, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, do định kiến xã hội, đặc điểm giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS vẫn luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội. Họ phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới xuất phát từ chính môi trường sống của mình. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các chính sách của chị em ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như: kinh tế (việc làm, thu nhập, tham gia thị trường), xã hội (giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe) và hoạt động chính trị.

Vùng DTTS và miền núi nước ta là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước. Trong số đó, nam giới là 6,72 triệu người, chiếm 50,2%; nữ là 6,66 triệu người, chiếm 49,8% 2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó phụ nữ DTTS là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

Phụ nữ DTTS ít được tiếp cận những công việc làm công hưởng lương, có tới 83,81% việc làm của lao động nữ DTTS là tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp, so với tỷ lệ tương ứng của nam DTTS là 79,16% và dân tộc Kinh là 40,72%; tỷ lệ phụ nữ DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ khoảng 6%, bằng 1/3 so với dân tộc Kinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ DTTS thường xuyên phải lao động cực nhọc nhưng không được trả công. Chỉ có khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (trong khi phụ nữ Kinh là 56%). Sự phân công lao động theo xu hướng gắn với những đặc điểm giới và quan niệm về giới gây bất lợi cho phụ nữ. Trong kinh tế và phân công lao động, phụ nữ bất lợi hơn nên thường yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định.

Nhiều phụ nữ DTTS chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển: 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết (một số DTTS có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái biết đọc, biết viết chữ phổ thông thấp, như: Lự: 23,22%, La Hủ: 25,1%…); chỉ có 33% nữ sinh DTTS đi học phổ thông trung học đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em gái người DTTS còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về giới như: tỷ lệ tảo hôn cao, lên tới 27,1%; có 12 dân tộc tỷ lệ tảo hôn từ 30 - 40%.

Bạo lực trên cơ sở giới cũng là một vấn đề nổi cộm. Bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở gia đình những dân tộc phụ hệ. Theo nghiên cứu, bạo lực tinh thần đối với phụ nữ DTTS do người chồng gây ra là 48,8%, cao gấp 1,7 lần so với tỷ lệ chung của cả nước.

Hành động để giảm thiểu mất cân bằng giới tính

Trước thực tế trên, nhằm thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng DTTS, ngày 28-11-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1898/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 với mục tiêu tổng quát: Tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện BĐG và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia BĐG.

Theo đó, để góp phần thúc đẩy BĐG cho phụ nữ DTTS, trong công tác giáo dục, vấn đề dạy chữ viết cho phụ nữ DTTS là ưu tiên hàng đầu. Đối với nhóm đối tượng này, những chương trình dạy chữ cần thiết thực, kết hợp phát triển kinh tế và học chữ, để khuyến khích phụ nữ tham gia. Đối với những nhóm đối tượng như học sinh tiểu học và trung học, cần đầu tư thêm để các em có thể theo đến hết bậc trung học và học cao lên và tránh không bị rơi vào vòng tái mù như các thế hệ phụ nữ đi trước. Thực hiện nghiên cứu toàn diện hơn về tỷ lệ mù chữ trong phụ nữ DTTS để có thể đưa ra những giải pháp xóa mù phù hợp và tăng cường sự tham gia của phụ nữ DTTS trong việc tiếp cận các cơ hội cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện nghiên cứu tổng thể hơn về bối cảnh dễ bị tổn thương của phụ nữ DTTS để có thể đưa ra những khuyến nghị và thiết kế những chính sách phù hợp với nhu cầu của phụ nữ DTTS, tăng cường khả năng chống đỡ của họ trước các vấn đề toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, những hiện tượng xã hội như nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em... Đây là những vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay, cần có giải pháp cơ bản đồng bộ trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay.

Tăng cường mở các lớp tập huấn giảng dạy về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, dân số và từ đó có kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".

Hiện nay, lao động nữ thanh niên DTTS vẫn bị tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội do rào cản ngôn ngữ và hạn chế về trình độ học vấn. Các lớp đào tạo dạy nghề cho phụ nữ DTTS cần quan tâm đến những đặc thù này và khả năng tham gia vào thị trường lao động cụ thể. Trong công tác đào tạo nghề thì cần có sự hài hòa về vai trò sản xuất và tái sản xuất của người phụ nữ.

Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế. Đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới vùng DTTS có việc làm tại chỗ, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chia sẻ lẫn nhau trong thực hiện vai trò sản xuất, sinh sản nuôi dưỡng, cộng đồng.

Chính phủ cần sớm phê duyệt xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS. Trong đó, xây dựng nhiều dự án thành phần để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện có lồng ghép các chỉ tiêu về BĐG và phát triển phụ nữ. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS. Tiếp tục ưu tiên thực hiện một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS đang phát huy hiệu quả cao như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS giai đoạn 2018-2025; phòng ngừa nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em; mở rộng các dịch vụ y tế để phụ nữ và trẻ em DTTS được tiếp cận ngay từ thôn, bản…

Nguyên Thanh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-day-binh-dang-gioi-nang-cao-vi-the-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-post434769.html