Thúc đẩy các dự án đô thị mang chủ đề văn hóa

Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, một trong những định hướng quan trọng của địa phương ở giai đoạn sáp nhập hành chính địa giới hiện nay, là chú ý thúc đẩy hiệu quả hơn tốc độ định hình, phát triển các đô thị chủ đề.

Đắk Lắk là thủ phủ kinh tế, xã hội vùng cao nguyên và vị trí tiên phong phát triển vùng được đặt nặng vào TP. Buôn Ma Thuột.

Tỉnh này vừa đánh dấu 120 năm phát triển và TP. Buôn Ma Thuột với vai trò trung tâm, cũng vừa kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng, thiết lập một môi trường xã hội mới trong dòng chảy lịch sử. Nên, những biểu hiện thành công của địa phương về phát triển đô thị hóa là rất quan trọng.

Định hình những dấu ấn mới?

Một cựu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày kỷ niệm giải phóng, đã tâm tư rằng, cần phải nhìn vùng đất này, từ hiện trạng hôm nay với quá khứ sau chiến tranh tàn phá, mới thấu hiểu được những khó khăn, áp lực của hành trình thay đổi và phát triển.

Biểu tượng Ngọn lửa cao nguyên ở khu đô thị An Phú (TP. Buôn Ma Thuột)

Biểu tượng Ngọn lửa cao nguyên ở khu đô thị An Phú (TP. Buôn Ma Thuột)

Dù muốn hay không, với vị thế một đô thị cao nguyên, Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk phải định hình chiến lược phát triển kinh tế, gắn với sức mạnh đô thị hóa hiện đại, tiện nghi không ngừng.

Càng tăng diện tích nhà ở đô thị, càng hoàn thiện hạ tầng đô thị ở các vùng trung tâm, huyện lỵ…, công cuộc phát triển địa phương càng được chứng minh hiệu quả.

Nhưng ngược lại, vùng cao nguyên vẫn luôn phải bảo toàn các giá trị cơ hữu, về môi trường thiên nhiên, về lịch sử văn hóa. Cạnh những công trình đồ sộ, tăng trưởng cả chiều cao, lẫn quy mô bê tông hóa, thì cao nguyên vẫn cần có những mái nhà dài, những cầu thang gỗ truyền thống.

Bên những màu sắc, hoa văn kiến trúc hiện đại, vật liệu nhân tạo, các thị trấn, thị tứ Tây Nguyên vẫn không thể bỏ đi màu nâu màu đỏ sậm của họa tiết truyền thống, những sắc hoa lá nguyên thủy bao đời.

Văn hóa lịch sử, là hồn cốt bất biến tại mảnh đất này, cho dù cuộc sống có hiện đại, tiến bộ đến bao nhiêu.

Vậy làm sao để Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Buôn Đôn… những cái tên trung tâm đô thị bảo toàn được cả hai phía phát triển và gìn giữ, nếu địa phương không có những tầm nhìn, định vị tích cực và sáng nghĩa cho các khu, cụm đô thị tương lai?

Làm sao để chính câu hỏi an cư người dân địa phương đồng nghĩa với đòi hỏi thích hợp cuộc sống, tập tục lâu đời của quê hương đất đỏ? Thách thức này đã rất nhiều lần được các nhà quy hoạch, đầu tư đô thị Đắk Lắk đặt ra, chọn lựa các giải pháp.

Theo ông Lê Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk, có thể một ý tưởng được xem là phát triển, cần thiết nhưng không mới lạ, đã được vận dụng tại địa phương.

Đó là xu hướng định hình những khu đô thị mới, hiện đại về mặt đời sống, kinh tế, mà vẫn bảo lưu được các giá trị văn hóa, môi trường thiên nhiên; là những đô thị chủ đề, có chọn lọc và phát triển. Khi định hướng những khu đô thị này, địa phương đã tạo nên những dấu ấn mới.

Giá trị đô thị từ chủ đề văn hóa

Ông Phan Tá Sinh, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Đô thị Ân Phú chia sẻ, năm 2018, hưởng ứng lời vận động thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, doanh nghiệp ông đã chọn dự án khu dân cư Hà Huy Tập (Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) làm điểm triển khai ý tưởng xây dựng một khu đô thị văn minh kiểu mẫu cho địa phương.

Đô thị chủ đề là tiêu chí văn hóa của các khu đô thị mới ở Đắk Lắk

Đô thị chủ đề là tiêu chí văn hóa của các khu đô thị mới ở Đắk Lắk

Khu đô thị được xác định tên thương mại là Khu đô thị Ân Phú, có diện tích 19,9 ha, cấu trúc thành tổ hợp nhà ở xã hội, phố thương mại và đất nền để người dân xây dựng nhà ở riêng biệt.

Cho đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục hạ tầng, đang hoàn thiện số công trình nhà ở xã hội và phố thương mại liền kế cuối cùng, đồng thời tiến hành thương mại hóa nhà ở, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân.

Điều quan trọng, theo ông Sinh, là dự án này nằm trong chuỗi đô thị mới ở khu vực phía Bắc đường tránh phía Tây TP. Buôn Ma Thuột, không hề hình thành đơn lẻ và nhất là có tính chủ đề sâu sắc.

Trung tâm khu đô thị, là biểu tượng một ngọn lửa cách điệu đôi tay hòa quyện, thể hiện tinh thần hợp tác vươn lên của cộng đồng cư dân. Dự án vì thế còn được định danh khu đô thị Ngọn lửa Cao nguyên.

Từ đó thể hiện dáng dấp phát triển của một vùng cư dân mới, nơi tụ hội phát triển văn hóa xã hội địa phương. Điều này biểu đạt tinh thần hợp tác phát triển của TP. Buôn Ma Thuột.

Theo đó, ở vị trí khu đô thị này đang hình thành hàng loạt các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ mới của địa phương. Cho đến nay, đây đã trở thành một trong những điểm nhấn đô thị mới mà tỉnh Đắk Lắk dốc tâm triển khai.

Liên kết với đô thị Ân Phú, địa phương đang xúc tiến hình thành các dự án đô thị liền kề, tạo giá trị lan tỏa, cũng với ý tưởng về chủ đề đô thị.

Khu đô thị Ecocity Premia có hình cánh cung rộng lớn, với biểu tượng đôi voi hàm nghĩa sức mạnh lan tỏa; khu đô thị Trung Nguyên với biểu trưng Hạt café sẽ thể hiện ý nghĩa dự án Thành phố Café Buôn Ma Thuột…

Đây đều là những dự án đô thị chủ đề có tính sáng tạo ở vùng đất cao nguyên này. Mỗi dự án có một góc nhìn khác, tiêu chí định hình khác, đa dạng nhưng hợp nhất, hội tụ những giá trị đầu tư kinh tế, hàm nghĩa văn hóa, lịch sử cho địa phương.

Theo ông Lê Hùng, có những biến đổi, sắp xếp hành chính, cơ cấu địa giới đang diễn ra, song tầm nhìn và khát vọng phát triển của người dân Đắk Lắk, qua những đô thị chủ đề đang thành hình, thì vẫn sẽ vững vàng thực thi.

Nếu kết hợp những khu đô thị chủ đề, hiện đại văn minh ở Đắk Lắk, với những ý tưởng sáng tạo mới từ các địa phương xung quanh, nhất là hướng nới rộng không gian địa bàn về phía biển, tầm vóc các dự án đầu tư sẽ càng thăng tiến hơn nữa.

Đây thật sự là những điểm nhấn quan trọng, cần được bảo vệ, thúc đẩy hiệu quả hơn, trong hành trình phát triển tỉnh nhà, đem lại lợi ích kinh tế xã hội ngày một nhiều hơn. Nhất là, hàm nghĩa từ những dự án đô thị mới có chủ đề văn hóa, sẽ giúp những giá trị nhân văn bản địa càng thêm sáng tỏ!

HƯƠNG GIANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/thuc-day-cac-du-an-do-thi-mang-chu-de-van-hoa-127563.html